Hàng ngày ngoài làm ít sào ruộng chị tranh thủ đi thu mua sắt vụn, nhặt ve chai, hễ ai thuê gì chị cũng xin đi làm để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình.
Chồng mất, chị một mình gánh vác công việc nặng nhọc của gia đình nghèo với 4 đứa con thơ dại và bố mẹ già đã ngoài 80 tuổi. Một mình gồng gánh lo cái ăn từng bữa cho cả gia đình bằng nghề mua phế liệu, để bớt tiền học cho con chị xin nhà trường đi đổ rác thuê vào mỗi chiều thứ 7. Đau khổ hơn khi nhìn các con mang bệnh mà chị chỉ biết lặng nuốt nước mắt vào trong đau đớn.
Mong một lần có tiền đưa con đi bệnh viện thăm khám
Người vợ, người mẹ khốn khổ mà chúng tôi muốn nhắc đến là chị Lê Thị Hùng (SN 1983, trú tại xóm 10, xã Thái Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An). Cách đây khoảng 2 năm chồng chị là anh Nguyễn Quang Bảy (SN 1976) đã qua đời vì bệnh tật.
Chị vẫn nhớ như in cái ngày mà mẹ con chị như rơi vào tận cùng của tuyệt vọng ấy. Bản thân anh Bảy mắc bệnh gan nên sức khỏe rất yếu, thường xuyên phải nhập viện điều trị. Cũng vì thế gia đình luôn lâm vào cảnh túng thiếu đủ đường.
“Tháng 5/2015, anh thấy chóng mặt, mệt mỏi nên được đưa lên trạm y tế để chữa trị. Rồi bệnh tình của anh dần chuyển biến xấu và không qua khỏi”, chị Hùng rơi nước mắt mở đầu câu chuyện về cuộc đời “chị Dậu” của chị.
Người chồng qua đời để lại cho chị 4 đứa con thơ dại, đứa lớn mới lên 10, đứa nhỏ còn bế ẵm trên tay và bố mẹ chồng đã ngoài 80 tuổi.
“Dù anh hay đau ốm nhưng trong nhà có anh thì tôi yên tâm đi làm còn lo cho gia đình nữa. Từ ngày anh mất đi mẹ con tôi cũng chẳng biết trông nhờ vào ai nữa. Bây giờ các con bị bệnh cũng chỉ mua thuốc về cho cháu uống chứ không dám đưa cháu đi bệnh viện”. Nói đoạn người mẹ nghèo khổ đưa tay lau vội dòng nước mắt lăn dài trên đôi gò má chai sạm, ôm chặt đứa con thơ vào lòng.
Sinh ra vốn không được khỏe mạnh, con trai thứ 2 của chị là Nguyễn Quang Tuấn (SN 2006) lại mắc thêm bệnh bướu cổ, hen suyễn. Cũng từ lâu lắm rồi chị không dám đưa con xuống bệnh viện để thăm khám xem bệnh tật của con tiến triển đến đâu, chị chỉ xin đơn bác sĩ để lấy thuốc về cho con uống dần.
Đau đớn hơn người con gái thứ 3 là Nguyễn Thị Mỹ Tâm (SN 2012) đến nay vẫn chưa thể nói được. Cơ thể Tâm gầy gò ốm yếu, em ăn được rất ít và thường xuyên đau ốm. Chị bảo, cái Tâm nó đau ốm như cơm bữa. Có thời gian nó đau triền miên. Đau đến nỗi chị cũng bất lực.
“Các bác sĩ nói nên đưa cháu ra Hà Nội để khám biết đâu người ta có phương pháp điều trị tốt thì cháu có thể nói được bình thường. Cháu Tâm nhà tôi nay đã 5 tuổi rồi nhưng chưa gọi được tiếng mẹ cho rõ ràng như những đứa bạn cùng lứa. Nhìn con như vậy mà lòng tôi như cắt từng khúc…”, chị Hùng nghẹn ngào nhìn đứa con thơ mà đau đớn.
Dù chưa thể nói được nhưng nhìn ánh mắt Mỹ Tâm khi nhìn mẹ mình khóc tôi chắc hẳn nó hiểu hết những nỗi đau mà mẹ mình đang phải gánh chịu. Nó nhìn mẹ mãi không chớp mắt một lúc rồi đến chui vào lòng mẹ, đôi bàn tay nhỏ đan dần qua ôm lấy mẹ mình. Nó cứ nằm im như thế nghe mẹ mình nói.
“Nó muốn thốt lên lắm, nhưng chịu chú à. Không biết đến nào tui có tiền đưa cháu đi khám hả chú”, chị Hùng đau đớn.
Kiếp nghèo mang tên “bền vững”.
Chiều đông xứ Nghệ, cái lạnh theo từng đợt gió xuyên qua tấm liếp mỏng che trước hiên căn nhà cũ kỹ rồi len lỏi qua từng lớp áo mỏng đã bạc màu khiến những đứa trẻ cứ co rúm lại. Chị cũng mong kiếm được chút tiền lo cho mỗi đứa thêm tấm áo ấm để các con đến trường đỡ rét hơn nhưng với chị giờ đó như là một “nhiệm vụ bất khả thi”.
Bên hiên nhà ông Nguyễn Quang Cầm và bà Hoàng Thị Minh đều đã ngoài 80 tuổi (bố mẹ chồng chị Hùng) ngồi lặng lẽ đưa đôi mắt đã đục ngầu nhìn về phía xa. Từng nếp nhăn thời gian in sâu trên khuôn mặt già nua của hai cụ như những đợt sóng dồn dập đổ ập xuống cái gia đình nhỏ này. Tai nghe không rõ, mắt cũng mờ đi theo năm tháng.
Trò chuyện với tôi, hai cụ câu được câu mất: “Bố chúng nó mất sớm, bây giờ cũng chỉ mong cho các cháu đủ ăn, được đi học, được chữa bệnh thì tôi vui lắm. Chứ già cả như chúng tôi thế này thì còn lo gì được nữa. Thương lắm nhưng không giúp được con cái gì tôi cũng khổ tâm”, cụ Minh nghẹn ngào.
Không riêng gì cháu Tuấn, cháu Tâm mắc bệnh, mà ngay cả chị cũng đang mắc căn bệnh bướu cổ và viêm phổi. Cũng vì chứng bệnh kéo dài, nên sức khỏe của chị không được như người khác, chị chỉ nặng chừng 38 kg. Nhiều hôm nhà không có tiền, chị dành hết tiền mua thuốc cho người con trai thứ 2 còn bản thân thì không dám mua thuốc để uống. Một mình gồng gánh lo cái ăn từng bữa cho cả gia đình càng khiến chị thêm tiều tụy, già đi trước tuổi.
Hàng ngày ngoài làm ít sào ruộng chị tranh thủ đi thu mua sắt vụn, nhặt ve chai, hễ ai thuê gì chị cũng xin đi làm để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Hai đứa con út còn học mầm non nên chị xin đi đổ rác cho nhà trường vào thứ 7 hoặc chủ nhật mỗi tuần. Số tiền công chị dành để trừ vào học, tiền ăn hàng tháng cho các con.
Mỗi ngày với người mẹ nghèo bắt đầu từ rất sớm không kể lạnh hay mưa gió. Chị cố gắng làm việc thật nhiều để lo cho các con, chị không cho phép mình gục ngã vì trên vai chị là cả gia đình.
“Giờ hai đứa học mầm non không có tiền tôi phải xin nhà trường đi đổ rác để trừ tiền học chú à. Nếu không cho cháu đi học thì tương lai mịt mờ lắm. Nhưng giờ cho đi, thì gia cảnh vốn nghèo “bền vững” lại thêm túng quẫn thôi chứ biết làm sao. Cầu trời cho tôi có sức khỏe để gánh vác những gì còn có thể…”.
Nói đoạn, chị Hùng úp mặt vào tường mà khóc. Chị khóc như ngày chồng mới qua đời. Chị khóc cho số phận mình hẩm hiu đến khốn cùng. Chị khóc thương cho những đứa con bé bỏng đáng lẽ chúng không phải chịu cảnh đau thương thế này.
- "Đặc sản" tuổi thơ: Cứ cúp điện là ùa ra sân chơi, sướng rơn khi được hô to: "Có điện rồi"
- Ảnh màu cực quý về tỉnh Hà Đông năm 1915: Khung cảnh thôn dã ở làng Định Công
- Cha mẹ “nhìn xa trông rộng” thường xuyên nói 4 câu này với con!
- This Stray Cat Was So Battered He Required Plastic Surgery. Now Everybody Is Amazed By His New Look
- Thất vọng vì cách dạy con của vợ: Chúng tôi lục đục , nhiều lần nói tới việc ly hôn.