Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
119 lượt xem

"Cha mẹ nào, con nấy": Hãy cẩn thận hành vi của bạn!

Tôi là người nóng tình, chồng tôi còn nóng nảy hơn. Dù khi có con, tính nóng nảy đã được kìm chế bớt, nhưng vẫn không ăn thua. Tôi hiểu, tính xấu của mình sẽ ảnh hưởng đến con ghê gớm. Vì thế tôi luôn dặn mình phải điềm đạm.

Có lẽ vì ở gần mẹ tối ngày nhăn nhó, nên con trai tôi ít cười. Lúc nào cặp chân mày của con cũng nheo lại, như muốn đụng cộp cộp vào nhau. Con trai cắt đầu đinh, tiết kiệm nụ cười, hạn chế nói, lúc nào cũng nhăn trán và nhất là khi con tập trung vào vấn đề gì đó là chân mày như hai con sâu róm. Nhìn rõ dữ dằn, chẳng gây được cảm tình với ai cả! Mỗi khi con cau có, tôi thường ghẹo: “Con mà cứ nhăn nhó như vậy, sau này có mà ế vợ!”, dĩ nhiên thằng bé chẳng hiểu ế vợ là gì cả nên nó tiếp tục nhăn như khỉ ăn ớt.

Thêm ông chồng nóng tính, mỗi khi stress trong công việc, về đến nhà con lại ương bướng là ba cũng nổi máu nóng. Không nỡ đánh con nhưng ông xã tôi cứ nhảy cồ cồ để xả cơn giận, rồi có thứ gì vừa tầm tay (dĩ nhiên không phải đồ quý hiếm) là chàng liệng thẳng về phía con (dĩ nhiên không nhằm trúng con), hoặc ném vào tường. Đã bao nhiêu lần tôi góp ý, nhưng chồng cứ tính nào tật nấy, có bớt đi một chút nhưng không ăn thua. Nếu không ném đồ, thì chồng tôi cũng nói những câu hết sức lạnh lùng với con, ví dụ: “Con bước ra khỏi nhà”, “Không nghe lời thì… biến”, nghe rầu lòng hết sức. Chính vì ba nóng tính, nên mỗi khi ba lên cơn cáu, là con cứ co rúm vào sợ hãi dù con ít bị ba đánh đòn.

Một lần, tôi chơi cùng hai cậu con trai, vì anh hai không được mẹ ôm vào lòng (vì nhường cho em nhỏ), nên anh chàng cáu tiết, xông vào đá mẹ lia lịa. Dù còn nhỏ, nhưng con đá rất đau.
Lần khác, vì em cướp đồ chơi của con, thằng bé lao vào em với nguyên nắm đấm. Thằng em tối mặt tối mày, khóc om xòm.

Tôi thực sự cảm thấy không ổn, khi con trai tôi cầm đồ chơi trên tay và ném thẳng vào người cậu em. Con còn nhỏ, nên đâu biết là phải “ném trượt”, nên thằng em lãnh nguyên một cục u trên trán mấy ngày sau mới đỡ.

Tôi hoảng hốt: thế này thì không ổn thật rồi. Tôi thực sự không muốn con mình lớn lên sẽ trở thành người đàn ông thượng cẳng chân, hạ cẳng tay; nóng nảy và thô lỗ. Con tôi có thể nóng tính (di truyền), nhưng nhất quyết không thể là người thô lỗ được. Con trở thành thế này, lỗi phần lớn do cha mẹ, bởi con cái là tấm gương phản chiếu hành động, thái độ của cha mẹ. Con sẽ học từ ba mẹ một cách rất nhanh khiến chúng ta đôi khi phải giật mình bất ngờ.

Tôi và chồng đã phải trao đổi rất nhiều về vấn đề này trước khi đưa ra 5 quy tắc trong cách dạy con và trong cách cư xử:

1. Hạn chế tối đa cơn nóng giận, vì rốt cuộc, nóng nảy không làm chúng ta sáng suốt hơn mà chỉ làm cho chúng ta tồi tệ thêm.

2. Nếu không thể kìm chế được cơn giận, hãy tránh đi chỗ khác. Sự im lặng một mình sẽ giúp chúng ta bình tĩnh hơn trước khi lỡ làm điều gì đó thất thố trước mặt con cái.

3. Không bao giờ ném, vất đồ đạc. Tôi thỏa thuận với chồng: sau này nếu con mình cầm bất cứ thứ gì ném vào bất cứ ai, thì lỗi là do anh và anh phải chịu trách nhiệm với hành động thô lỗ đó của con. Chồng tôi thật sự nhận thức được sự nguy hiểm của hành động quá đáng của mình.

4. Không phạt con bằng đòn roi. Đòn roi không làm đầu óc con thông minh hơn được. Bạo lực không làm con ngoan hơn được, mà chỉ khiến thể xác con đau và tâm hồn con chai sạn.

5. Không bao giờ buông những lời xúc phạm nặng nề với con. Dù con còn nhỏ, nhưng chúng hiểu những lời xúc phạm ấy qua thái độ của người lớn, và chúng sẽ trở nên thiếu tự tin, rụt rè, sợ hãi vì nghĩ: mình đúng là vô dụng thật! Tôi còn nhớ mãi khi tôi học cấp 1, trong khi làm bài thi tiếng Việt, vì cố nghĩ một câu thật hay để bài thi của mình khác biệt mà tôi đã bị cô giám thị “nhắc nhở”: “Trời ơi, có mỗi việc đặt một câu đơn cũng không biết. Ngu thế!”, câu nói ấy ám ảnh đến nỗi bây giờ tôi vẫn còn nhớ.

Nếu như bạn đã làm cha mẹ, tôi nghĩ, bạn cũng nên thiết lập một số quy tắc nhằm đảm bảo con bạn có thể phát triển theo hướng tích cực.

Bài viết cùng chủ đề: