Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
127 lượt xem

Dạy con thông minh: Đặt mình vào vị trí của con để thấu hiểu, bao dung

Nhà thơ người Mỹ Oliver Wendell Holmes đã viết: “Sự thấu hiểu trong khoảnh khắc đôi khi đáng giá bằng một trải nghiệm của cuộc đời”. Quả thật, đúng là như vậy!

Cha mẹ nên dạy trẻ học cách đặt mình vào vị trí của người khác như thế nào?

Coi mình là người khác, giảm bớt bất tiện cho người khác

Tiểu Đình là một đứa trẻ nghịch ngợm, thích làm phiền người khác, nhất là cậu có thói quen thích mượn đồ của bạn. Mỗi lần bạn không cho mượn, cậu lại nói: “Bạn tốt thì nên chia sẻ!”, nhưng khi mượn đồ của người khác cậu đều không trả lại đúng hẹn. Nếu đối phương đòi lại, cậu còn chỉ trích đối phương là không giữ nghĩa khí hoặc không coi trọng bạn bè để kéo dài thời gian trả lại.

Để thay đổi thói quen này của Tiểu Đình, bố cậu đã tìm thấy người “bị hại” cùng họ bàn bạc cách làm tốt nhất, để họ có cơ hội mượn đồ của Tiểu Đình như: sách tham khảo, bút, đồ chơi… Đồng thời, nói với Tiểu Đình rằng: “Nên chia sẻ với mọi người khi có thứ tốt”.

Ban đầu cậu bé rất sẵn lòng, nhưng vì nhiều người mượn, nên cậu cũng thấy khó chịu, về nhà kể khổ với bố.

Bố tươi cười nói với cậu: “Các bạn nói đúng, có thứ gì tốt thì nên chia sẻ với mọi người mà. Họ đều mượn con, chứng tỏ con có quan hệ rất tốt. Bố tin là nhất định con sẽ làm như vậy”.

Vì trước đó Tiểu Đình đã mượn không ít đồ của mọi người, vì thế không tiện từ chối. Qua một thời gian, quả thực cậu không chịu được nữa, lại than phiền với bố. Lần này, bố để cậu suy nghĩ xem vì sao cậu lại ghét người khác thường xuyên hỏi mượn đồ của mình, rồi để cậu nghĩ xem thường xuyên mượn đồ của người khác, cảm nhận người ta sẽ như thế nào.

Qua so sánh, cậu nhận thức được rằng, cách làm trước đó của mình là không đúng. Từ đó về sau, cậu không thường xuyên làm phiền các bạn nữa, bắt đầu trở thành người được mọi người yêu mến.

Đôi khi, trẻ đưa ra yêu cầu hoặc muốn làm phiền người khác sẽ gặp phải sự từ chối của đối phương. Lúc ấy, trẻ sẽ rất tức giận, cho rằng đối phương quá đáng, từ đó khiến hai bên nảy sinh mâu thuẫn. Cũng có lúc, trẻ đưa ra lời đề nghị với người khác mà không bận tâm và suy nghĩ tới cảm nhận của họ, chỉ biết yêu cầu, khiến đối phương buồn lòng nhưng lại không tiện nói, nên trong lòng nảy sinh tâm trạng chán ghét, kết quả vẫn tạo ra chướng ngại cho sự giao tiếp của đôi bên.

Khi đưa ra yêu cầu hoặc thỉnh cầu người khác, phải làm thế nào để vừa được đối phương tiếp nhận, lại không làm tổn thương tới tình cảm của hai bên. Điều đó cần trẻ phải “coi mình là người khác”, hiểu được cảm nhận của họ khi bị làm phiền. Từ đó, trẻ xác định được mức độ yêu cầu của bản thân, cố gắng giảm bớt yêu cầu và sự bất tiện cho người khác, khống chế yêu cầu trong phạm vi hợp lý, khiến việc giao tiếp giữa hai bên trở nên dễ chịu và thoải mái.

Coi người khác là mình, học cách nghĩ cho người khác

Tom mặc xong quần áo chuẩn bị cùng mẹ đến khu vui chơi. Cậu bé hàng xóm là Sam lại đến nhà cậu chơi, nghịch đồ chơi của cậu.

Tom nóng lòng đẩy Sam ra khỏi cửa: “Cậu mau đi đi, mình sắp ra ngoài rồi!”

Sam tủi thân, hai mắt ướt nhòa.

Trên đường đến khu vui chơi, Tom có chút băn khoăn, liền hỏi mẹ: “Có phải hôm nay con hơi quá đáng với Sam không mẹ?”. Mẹ không trực tiếp trả lời mà nói với cậu: “Ví dụ con đến nhà Sam, đang vui vẻ chơi đồ chơi của bạn ấy, nhưng lúc ấy bạn ấy lại bảo con đi, lại còn đẩy con ra cửa, con có vui không?”

“Con không vui”.

“Nếu bạn ấy nói, bạn ấy có việc phải ra ngoài, bạn ấy muốn đi sớm, về sớm. Đợi đến khi bạn ấy về, con có thể cùng chơi với bạn ấy, bạn ấy lại còn muốn cho con xem những đồ chơi mới mà con chưa chơi. Con sẽ nói thế nào?”

“Con sẽ nói, thôi được, nhất định phải về sớm đấy!”

Mẹ cười: “Thế lúc nãy con nói với Sam như thế, đúng không?”

“Không đúng, nếu con nói với bạn ấy, bảo bạn ấy chiều sang chơi thì bạn ấy đã không khóc rồi”.

Trẻ em rất đơn thuần, lương thiện, đôi khi trẻ cũng hiểu được rằng, vì một câu nói, một hành động của mình mà mang lại nỗi buồn cho bạn bè, thì trong lòng cũng cảm thấy không vui. Điều mà cha mẹ phải làm chính là giúp trẻ đặt mình vào vị trí, vào hoàn cảnh của đối phương để cảm nhận lời nói và hành vi của mình sẽ gây ra tổn thương gì cho họ. Từ đó, trẻ sẽ hiểu nên làm thế nào mới có thể khiến đối phương tiếp nhận quyết định của mình, trên cơ sở không làm tổn thương đối phương, mà vẫn dễ dàng đạt được mục đích.

Bởi vì theo như lời của George Washington Carver thì: “Mức độ lớn khôn và trưởng thành thực sự trong cuộc đời của mỗi con người tùy thuộc vào thái độ ứng xử của họ đối với người khác: dịu dàng với người trẻ, cảm thông với người già, chia sẻ với người bất hạnh, động viên người có chí hướng, tha thứ người mắc lỗi lầm, bao dung với kẻ yếu và khoan hòa với kẻ mạnh. Bởi lẽ, đến một lúc nào đó trong cuộc đời của mỗi con người, họ cũng sẽ lâm vào những cảnh ngộ tương tự”.

Bài viết cùng chủ đề: