Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
132 lượt xem

Cha mẹ cũng tránh mắng con vào 6 thời điểm sau: Ranh giới giữa việc "hối lỗi và bất mãn" cực kỳ mong manh

Nếu không khéo léo trong phương pháp dạy con, cha mẹ sẽ vô tình làm trẻ bị tổn thương.

Trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy con, việc xảy ra mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái là không thể tránh khỏi. Mỗi gia đình lại có phương pháp giáo dục không giống nhau dựa trên sự quan sát tính cách của trẻ. Nhiều phụ huynh cho rằng la mắng con sẽ hiệu quả vào một số thời điểm, không gian nhất định, đôi khi lại ngược lại. Do đó, cha mẹ nên kiểm soát cảm xúc của mình để tránh gây phản tác dụng. Nếu muốn trẻ được phát triển một cách toàn diện, bố mẹ hãy chú ý tránh không nên mắng con vào những thời điểm dưới đây.

1. Không nên quát mắng con vào sáng sớm vừa thức dậy và tối trước khi đi ngủ

Sáng ngủ dậy là lúc trẻ còn chưa tỉnh táo, uể oải và khó chịu. Quát mắng vào lúc này trẻ không những không thể tiếp thu mà còn dễ dẫn đến thái độ vùng vằng, cãi lại cha mẹ. Vì buổi sáng bố mẹ sợ đi làm trễ nên hay quát tháo con phải khẩn trương, nhanh nhẹn trong việc vệ sinh cá nhân, ăn uống, mặc quần áo. Tuy nhiên thay vì để phải vội vàng như vậy, cả nhà nên dậy sớm hơn một chút, vừa khoẻ mạnh vừa tránh không khí căng thẳng vào buổi sáng.

Thêm vào đó, tinh thần xấu vào buổi sáng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm trạng cả một ngày, hạn chế việc tiếp thu bài vở trên lớp. Trẻ con cũng như người lớn, có những ngày uể oải, mệt mỏi, vì thế hãy thấu hiểu, nhẹ nhàng đồng hành cùng con để mỗi ngày đều vui vẻ, ý nghĩa.

Tương tự, buổi tối trước khi đi ngủ, trẻ cần được thư giãn để có giấc ngủ ngon. Nếu bị quát mắng vào lúc này sẽ gây tâm trạng ức chế, khó vào giấc. Trẻ không ngủ sâu cũng ảnh hưởng đến trí tuệ, phát triển chiều cao cùng các vấn đề tâm lý khác.

2. Không nên quát mắng con khi đang ở nơi công cộng

Ba mẹ muốn mắng con trước mặt người khác có thể xuất phát từ suy nghĩ rằng muốn uốn nắn con ngay lúc con làm sai để con nhớ lần sau không phạm lỗi nữa hoặc cũng có khi muốn thể hiện cho bạn bè thấy rằng mình là bậc cha mẹ nghiêm khắc, dạy dỗ con cái đến nơi đến chốn.

Thông thường khi có mặt người lạ, bố mẹ sẽ không quan tâm đến cảm giác của con khi bị trách mắng nên lần sau bố mẹ vẫn tiếp tục mắng con. Chỉ vì sợ bị người khác đánh giá là mình không biết dạy dỗ con nên phải ra sức chứng minh cho mọi người thấy rằng mình là ba mẹ hoàn hảo.

Thế nhưng bố mẹ lại không nghĩ đến tâm trạng của trẻ, trẻ không có ý làm sai nhưng cha mẹ lại trách mắng, nhất là trước mặt nhiều người. Chúng cảm thấy vừa xấu hổ, vừa khiến lòng tự trọng bị tổn thương. Tình trạng này kéo dài sẽ làm trẻ mất tự tin ở bản thân, đặc biệt là đối với những trẻ đang ở lứa tuổi trưởng thành sẽ hình thành cho chúng thói quen phản kháng lại cha mẹ, cha mẹ nói gì trẻ lại càng làm ngược lại.

3. Không nên quát mắng trẻ trong bữa ăn

”Trời đánh tránh miếng ăn”, bữa cơm là lúc gia đình quây quần, đoàn tụ để chia sẻ những chuyện vui vẻ; không phải là lúc để la mắng trẻ. Khi cha mẹ mắng trẻ trong lúc ăn, sẽ tạo ra những cảm xúc tiêu cực ở bé. Thử hình dung khi bạn vừa khóc vừa ăn thì món ăn đó liệu có còn ngon nữa hay không, và trẻ cũng cảm thấy y hệt như vậy.

Việc con bị mắng không những làm việc ăn uống bị gián đoạn mà còn tạo tâm lý nặng nề cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Lâu dần con sẽ sợ bữa ăn, cảm thấy mệt mỏi, cố tình tránh né ăn uống cùng bố mẹ, dần dần mỗi QH giữa cha mẹ và con cái sẽ trở nên căng thẳng hơn.

Vậy làm thế nào để không cần quát mắng con mà chúng vẫn nghe lời. Các mẹ có thể xem một số kinh nghiệm dưới đây:

– Nhờ sự can thiệp của người thân khi bạn sắp nổi cơn thịnh nộ. Họ có thể giúp bạn vượt qua những căng thẳng mà không cần quát tháo con.

– Bạn có thể nhắm mắt lại trong vài giây hoặc hít thở một hơi dài khiến bạn sẽ kìm chế được cơn tức giận.

– Bạn hãy học cách bỏ qua những điều nhỏ nhặt đối với con. Trẻ con hay mắc lỗi là chuyện thường gặp. Vì vậy nếu đó không phải là vấn đề nghiêm trọng thì hãy bỏ qua cho con và nhắc nhở con một cách nhẹ nhàng.

– Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ trước khi quát mắng chúng, bạn sẽ hiểu và thông cảm với con nhiều hơn thay vì quát tháo con…

4. Không nên quát mắng con khi con đã biết lỗi, không chì chiết vào những lần sau đó

Khi con đã nhận ra lỗi lầm, hứa sẽ không lặp lại thì cha mẹ nên dừng, không nên nhấn thêm vào sai lầm của con nữa. Nói 1, 2 lần có thể khiến trẻ hiểu ra vấn đề nhưng nói đến 5, 6 lần sẽ khiến con cảm thấy khó chịu. Trẻ cũng không thích bị nhắc nhở, đặc biệt là trong lứa tuổi nổi loạn hay ẩm ương, sự chê bai hay cằn nhằn từ bố mẹ đôi khi sẽ phản tác dụng, làm cho trẻ không những không sửa sai mà còn cố làm ngược lại để ”thách thức” người lớn.

Bên cạnh đó, câu chuyện nên được giải quyết luôn và nếu đã xong thì không nên nhắc lại. Đừng thi thoảng lại lôi chuyện cũ ra để chì chiết, trách móc trẻ. Như thế vừa làm cho không khí gia đình trở nên căng thẳng, vừa gây ức chế cho tâm lý của con. Hãy là những bố mẹ biết bao dung và khéo léo trong những tình huống như thế này.

5. Không mắng con khi trẻ đang vui mừng, hào hứng hoặc lúc lo lắng, buồn rầu

Ví dụ như khi con vừa tìm được một chiếc kẹo trong tủ lâu ngày, chắc hẳn trẻ sẽ hò reo sung s*** và xin được ăn kẹo. Nhưng bố mẹ lại không muốn cho con ăn vì sắp đến giờ ăn cơm, thế là bạn giật luôn chiếc kẹo từ tay trẻ và quát ”Sắp ăn cơm rồi, kẹo cái gì mà kẹo”. Lúc này, tâm trạng háo hức của con bị dập tắt đột ngột, thay vào đó là sự ức chế và bé gào lên khóc.

Thế nhưng, bạn cũng có thể nhẹ nhàng nói với con ”Ôi thích thế nhỉ, em bé của mẹ tìm được cái kẹo xinh chưa này. Nhưng mà làm sao bây giờ, sắp đến giờ ăn cơm rồi con gái ạ. Nhà mình cùng ăn cơm thật ngon, sau đó sẽ ăn chiếc kẹo xinh này được không. Bạn kẹo xinh chắc chắn là có thể chờ mình ăn xong bữa cơm đấy. Nếu con ăn kẹo luôn bây giờ con sẽ không ăn được cơm và bị đói đấy”. Chắc chắn sự nhẹ nhàng từ bố mẹ sẽ không làm gián đoạn cảm xúc vui vẻ của con.

Không chỉ vậy, những lúc con đang lo lắng hay buồn rầu, điều bé cần nhất là lời an ủi, động viên, phân tích nhẹ nhàng chứ không phải là mắng chửi. Khi tâm trạng đã tồi tệ, việc bố mẹ làm vậy chỉ như ”đổ thêm dầu vào lửa” gây tác dụng ngược mà thôi.

6. Không quát con trước mặt bạn bè thân thiết, anh chị em trong nhà

Dù có thân thiết tới đâu, con cũng có lòng tự trọng và kiêu hãnh riêng của mình. Nếu bố mẹ quát con trước mặt bạn bè sẽ khiến con cảm thấy xấu hổ, tủi nhục, con có thể sẽ không dám chơi hay gặp bạn bè của mình ở lần sau đó nữa. Hãy khéo léo, tránh những lúc con đang vui đùa với bạn bè, để sau đó nói chuyện cũng không muộn. Hãy thể hiện mình là một người mẹ thông minh.

Kể cả với anh chị em trong nhà cũng vậy, đừng để trẻ cảm thấy bố mẹ đang thiên vị các anh chị em mà không yêu thương mình. Khi muốn giải quyết mâu thuẫn, bố mẹ hãy đưa từng đứa con vào phòng ngủ hoặc nơi yên tĩnh để nói chuyện và chỉ ra trẻ sai ở điểm nào.

Được bố mẹ yêu thương và nhẹ nhàng dạy bảo sẽ khiến con trẻ vui vẻ, hạnh phúc, phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần trong tương lai.

Bài viết cùng chủ đề: