Con tôi mới chỉ 2 tuổi, ối người đã bảo “đẻ tiếp luôn đi rồi nuôi 1 thể”. Con tôi lớn hơn chút nữa người ta không hỏi nữa mà chỉ gần như ra lệnh “đẻ tiếp đi, còn đợi đến bao giờ”. Nhưng có 1 câu quan trọng không kém, chẳng thấy ai nói giùm…
Khi tôi chưa lấy chồng người ta sẽ hỏi: “Khi nào lấy chồng? Đừng kén chọn quá”.
Lúc tôi lấy chồng chưa sinh con ai cũng nhòm tận mặt mà hỏi: “Đã có gì mới chưa?”.
Lúc tôi sinh con đầu mới lẫm chẫm tập đi, người ta lại bảo: “Đẻ tiếp đi rồi nuôi 1 thể”.
Đúng là tôi sợ đẻ dày. Tôi sợ con tôi phải tủi thân khi còn quá nhỏ. Tôi sợ bản thân mình chẳng thể gánh vác 2 đứa trẻ “trứng gà, trứng vịt”. Tôi sợ sự quẩn quanh trong nhà với tã, sữa, cơm nước, tiếng khóc của con nhỏ, thái độ chống đối hoặc sự tủi thân của đứa lớn, sự bất hòa với người già…
Và thật chứ mọi người hối thúc tôi đẻ tiếp nhưng có ai hứa cho tôi tiền nuôi con hay phụ giúp tôi nuôi nấng và chăm sóc những đứa trẻ không?
Có ai nghĩ đến cảm nhận của đứa con tôi không?
Có ai nghĩ đến hình ảnh 1 bà mẹ suy nhược, trầm cảm với 2 đứa nhóc bé tí, tay bế em, tay kia dỗ dành đứa lớn.
Có người lại bảo: “Ối giời, các cụ ngày xưa đẻ sòn sòn vẫn nuôi tốt đấy thôi. Trời sinh voi, trời sinh cỏ lo gì”.
Tôi thì có phục các cụ thật, nhưng tôi cũng không muốn con mình phải lệch hông bế em đứng bên đường như những đứa trẻ miền sơn cước hoặc những em bé phố thị chảy nước mắt mà van vỉ “Em ngủ rồi mẹ cho con ngủ cùng mẹ được không?” hoặc “Mẹ bế con 1 tí thôi rồi bế em”.
Ấy là còn chưa nói chẳng ai từng hỏi lũ trẻ về ước mơ… khi nồi cơm trong nhà còn đang chưa lo được cho đầy.
Tôi nghĩ nhiều người cũng có ý tốt, họ hỏi thế vì họ tìm thấy niềm vui tuổi già trong việc đông con, nhiều cháu. Họ thấy hạnh phúc của lũ con mình khi “có anh, có em”. Nhưng rõ ràng chuyện con cái là chuyện rất riêng của mỗi người. Và tôi chưa đẻ hoặc không đẻ nữa là có cách nghĩ của riêng mình, chuyện trong nhà tôi chỉ có tôi biết. Đâu cần đến ai phải giục, bởi nếu muốn, nếu đủ điều kiện ắt tôi sẽ tự nguyện đẻ mà không vì những lời nhắc nhở có vẻ tốt bụng mà khiếm nhã ngoài kia.
Tôi muốn con tôi được hưởng tình yêu của cha mẹ nó được trọn vẹn. Tôi sợ cảnh tay bế đứa nhỏ, đứa lớn bám chân dưới đất. Tôi sợ những câu nói: “Con thèm được ngủ cùng mẹ 1 tối. Từ khi có em con không được ngủ cùng mẹ”.
Các nhà khoa học cho rằng phụ nữ cần ít nhất 18 tháng để hồi phục và lấy lại được lượng chất dinh dưỡng cần thiết trong cơ thể đủ để mang thai và nuôi dưỡng một đứa trẻ trong bụng. Và tôi cũng sợ mình đầu bù tóc rối, sợ mình loay hoay với những cơn trầm cảm hoặc những suy nhược cơ thể mà không có cách nào thoát ra.
Lúc đó tôi biết những người khuyên hay hỏi tôi “đẻ tiếp” họ sẽ không bao giờ có mặt.
Tôi không muốn “nuôi con 1 thể” trong khi bản thân tôi chưa sẵn sàng. Con cái là thứ không phải đẻ xong là xong, quan trọng là nuôi con như thế nào, cho con điều gì…
Tôi nhìn những người bạn từng than “không nhìn thấy ánh mặt trời” vì chăm cùng lúc 2 đứa con còn quá nhỏ. Tiếng tát bốp đứa lớn vì nó cấu thẳng vào mặt em. Đứa trẻ quá nhỏ để kiểm soát hành động của mình và chính bà mẹ cũng mất kiểm soát trước cái tát ấy.
Vậy thì hãy đẻ con bằng ý thức của mình, bằng sự sẵn sàng hơn vì những lời hối thúc ngoài kia không? Khi những người hỏi luôn chẳng thể trả lời: “Cô, bác có nuôi hộ con cho cháu không?”.
Sinh thêm con luôn là 1 lựa chọn khó khăn. Không chỉ là thời gian cho đứa trẻ đầu tiên. Không chỉ là việc nuôi hơn 2 đứa trẻ khá vất vả. Còn vấn đề hiển nhiên nữa là tiền bạc. Một đứa trẻ sinh ra kéo theo hàng loạt những chi tiêu khác. Trong khi cuộc sống chẳng ai nói trước được điều gì.
Sinh thêm 1 đứa con mẹ có khả năng mất việc. Gánh nặng kinh tế có thể dồn lên vai người cha. Trong khi căn nhà trả góp chưa trả xong nợ, con lớn bỗng dưng phải tới trường… Vợ chồng bỗng dưng bất hòa, những bà vợ bỗng dưng biến thành “osin không công” vẫn bị dè bỉu điều tiếng ăn bám.
Thu nhập không đủ để sinh thêm con là lý do căn bản nhiều người đang mắc. Chuyện những đứa trẻ bám bà hơn bố mẹ, những đứa trẻ đặc giọng vùng nơi nó không sinh ra vì giao phó đứa lớn cho cô giúp việc. Đó là hệ quả của việc đẻ dày, “đẻ tiếp rồi nuôi 1 thể”.
Tôi không chọn sinh thêm con để thêm chỗ nương tựa lúc tuổi già. Tôi muốn sống ngày nào ngày đó phải là ngày hạnh phúc. Và lúc về già, con tôi không phải chịu gánh nặng làm chỗ dựa cho cha mẹ, trong khi việc được sinh ra không phải là do nó lựa chọn.
Tôi muốn sinh thêm con nhất định phải là niềm vui, là hạnh phúc của chính gia đình tôi và của con khi có thêm 1 đứa em. Nhưng khi đã quyết định người trong cuộc phải cảm thấy sẵn sàng.
Vì thế, làm ơn đi khi không ở trong nhà tôi hãy đừng hỏi bao giờ đẻ tiếp. Vì đó là chuyện riêng của gia đình tôi và sinh ra và nuôi nấng 1 đứa trẻ không giống nuôi nấng “1 chiếc thú cưng” chút nào.
Và chúng tôi thực sự không muốn bị trả giá…
- Cruel Person Shoots Homemade Blow Dart Into Cat’s Head
- Loạt dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ ở Hà Nội
- Những thói quen có thể làm giảm tuổi thọ của xe máy điện
- Phương Oanh đáp trả chuyện bị nói “giật chồng”, tuyên bố không hề hối hận khi yêu Shark Bình
- Cư dân mạng khen ngợi độ an toàn của xe VinFast VF8 sau ƚai nạn với xe container, 5 hành khách bình an vô sự