Du học luôn là ước mơ của biết bao thế hệ học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, không mấy người có thể thực hiện được ước mơ đó.
Có người gặp khó khăn về kinh tế, có người chịu áp lực từ gia đình, cũng có những bạn không đủ nỗ lực và quyết tâm để làm điều mình thích. Đặc biệt đối với những học sinh ở quê, việc đi du học càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Mặc dù vậy, bố mẹ vẫn tạo điều kiện tốt nhất cho con để con đạt được điều mình mong muốn dù có phải “chạy đôn chạy đáo” để vay tiền.
Câu chuyện dưới đây của gia đình bà N. ở Nam Định chính là một ví dụ điển hình. 5 năm trước, tại thời điểm 2 con bà N. nhận được cơ hội sang du học ở Thụy Điển, thu nhập kinh tế của gia đình bà vẫn vô cùng eo hẹp. Vì kinh tế khó khăn nên hai vợ chồng bà đã phải làm đủ thứ nghề từ bán hàng ngoài chợ, mở quán ăn đến xây nhà nghỉ cho thuê để kiếm kế sinh nhai. Chính vì thế, cuộc sống của hai vợ chồng kể từ sau khi kết hôn đến lúc sinh con chưa có ngày nào được dư dả, thoải mái.
Là một người mẹ, bà N. tự nhủ, dù hai vợ chồng chỉ buôn bán bình thường đủ ăn qua ngày nhưng vẫn sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho hai con. Đó là lý do bà nhiệt tình ủng hộ và động viên các con đi du học ngay khi nhận được giấy mời từ Thụy Điển. Bởi nếu như không đầu tư cho con học thì gia đình bà sẽ mãi chỉ quanh quẩn với đất quê, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” mà thôi. Thú thực, bà không bao giờ muốn các con đi theo nghiệp buôn bán như vợ chồng bà.
Thời điểm đó, bà N. đã quyết định bán lô đất – nơi xây dựng căn nhà nghỉ có diện tích 200m2 để lấy tiền cho con đi du học. Đối với bà, số tiền 6 tỷ đồng mà bà nhận được sau khi bán lô đất ấy là vô cùng quý giá. Nó không chỉ hỗ trợ gia đình bà giải quyết phần nào khoản nợ còn tồn đọng nhiều năm về trước mà còn giúp hai con thực hiện được mơ ước của mình. Ngoài ra, số tiền 1 tỷ đồng còn lại bà dành để mua lô đất gần 300m2 trong làng để xây một căn nhà nhỏ.
Mới đây, khi nhận được thông báo lô đất 6 tỷ đồng 5 năm trước đã lên giá 17,5 tỷ đồng, bà N. vẫn không hề hối tiếc về quyết định của mình. “17,5 tỷ đồng đối với tôi rất lớn. Nói thật, đến bây giờ con tôi đi học và ra nước ngoài đi làm chưa bù lại đủ số vốn mà tôi đầu tư cho con. Nhưng tôi không bao giờ hối hận”, bà N. cho biết.
Bên cạnh đó, bà vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với những gì mình đang có: “Giờ tôi thấy hài lòng với cuộc sống của mình. Không quá giàu có nhưng con tôi đều đã có công việc ổn định ở nước ngoài. Các cháu chín chắn, trưởng thành và thương bố mẹ. Nếu 5 năm trước, tôi không bán nhà đất cho con đi học thì giờ tôi đã có hơn 17 tỷ đồng. Đúng là một số tiền lớn. Nhưng tôi nghĩ, nếu con cái không có học hành tử tế, không công việc ổn định, không thương bố mẹ thì 17 tỷ cũng nhanh tan như gió. Thế nên tôi không hối hận vì quyết định thời điểm đó của mình dù bây giờ họ hàng xung quanh còn tiếc vì thời đó bán đi mảnh đất này”.
Nói đến số tiền hàng tỷ đồng nhiều người sẽ không bao giờ nghĩ mình có được với công việc làm công ăn lương. Trong khi mức lương trung bình của sinh viên mới ra trường chỉ ở mức từ 7-15 triệu đồng. Vì vậy, mơ ước sở hữu một căn nhà cho riêng mình của giới trẻ ngày càng trở nên xa vời.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không thể. Đầu tư cho việc học, đầu tư cho tương lai và con người sẽ không bao giờ lỗ vốn. Cứ nỗ lực và cố gắng hết mình, người trẻ hoàn toàn có thể mua được những thức có giá trị hơn cả một căn nhà.
- Mua đất, xây nhà ở quê xấp xỉ thành phố: Đừng mong “bỏ phố về quê” khi trong tay chưa có tiền tỷ
- Sự khác biệt giữa đứa trẻ có tiền tiêu vặt và không có tiền tiêu vặt khi lớn lên
- 3 dấu hiệu nhận ra một đứa con hiếu thảo, bố mẹ như ngồi chĩnh vàng, hưởng phước con cái
- 6 bẫy đặt cọc bà con mua nhà đất cần tránh nếu không muốn ôm hận, gánh lỗ đau
- Đau nhói lòng cảnh người mẹ bán ruộng, bán cả mái tóc của mình để cứu con