Thú chơi chào mào cảnh những năm gần đây phát triển rất mạnh. Đặc biệt, từ thú chơi này mà các câu lạc bộ ở từng địa phương được thành lập để hoạt động chuyên nghiệp. Với những người đam mê chào mào, việc bỏ ra hàng triệu đồng để sở hữu chú chim nhỏ xíu rồi chăm bẵm như con mọn là một thú đam mê khó cưỡng.
Chim chào mào thuộc họ chim sẻ biết hót, giọng hót trong trẻo thường từ 3 đến 4 âm thanh, nên chúng ta có thể dễ dàng nhận biết. Đặc điểm nhận dạng một chú chim chào mào là có hai má trắng, mào to dựng đứng lên, bên trên má trắng là má màu đỏ. Ở nước ta có điều kiện tự nhiên phù hợp để chim chào mào sinh sống.
Thứ âm thanh trong trẻo của tiếng chim chào mào gợi nhớ đến không gian yên bình ở những vùng quê rợp bóng cây xanh. Bởi vậy mà nhiều người đã lựa chọn loài chim này để thỏa đam mê của bản thân.
Cũng như nhiều người mê chào mào cảnh, hằng ngày, ngoài công việc chính là lái xe, anh Cao Xuân Sơn (ở TP Hải Dương) dành thời gian chăm sóc cho 5 chú chim chào mào ở nhà.
Đến với thú chơi chim chào mào hơn 10 năm nay anh Sơn luôn có được những giờ phút thảnh thơi. Hiện nay, anh Sơn đang là Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) Chào mào TP Hải Dương.
Vào các ngày thứ 4 và chủ nhật hằng tuần, anh Sơn lại cùng anh em trong CLB đem chim đến một quán cafe sân vườn để giao lưu, học hỏi. Với đam mê này, anh đã cùng những chú chim chào mào của mình đi thi đấu ở nhiều tỉnh phía Bắc, giành được rất nhiều giải thưởng lớn, nhỏ. Anh Sơn đánh giá, so với các tỉnh khác thì phong trào chơi chim chào mào ở Hải Dương rất mạnh.
Giống như anh Sơn, anh Bùi Quý Sáng hiện là Chủ tịch CLB Chào mào huyện Gia Lộc cũng đam mê chơi chim từ 10 năm nay. Hiện tại, anh Sáng đang nuôi 10 con chim chào mào và thường xuyên cho chúng đi giao lưu, thi đấu tại các huyện, thành phố trong tỉnh.
Buổi sáng, anh cho chim ăn hoa quả, châu chấu hoặc dế, sau đó cho chúng đi phơi nắng, tập lực. Đến trưa hoặc đầu giờ chiều, anh đem những chú chim của mình đi tắm rồi tiếp tục phơi nắng để con chim có bộ lông đẹp, sẽ ít mắc lỗi khi đem đi thi đấu.
Anh Sáng cho biết, đây là thú vui lành mạnh, khiến bản thân yêu đời: “Qua những giờ lao động vất vả, trở về nhà được chăm sóc chúng, nghe tiếng hót của chúng cảm thấy rất vui. Vào những ngày cuối tuần, mình đem chúng đi giao lưu với anh em cũng mở mang được nhiều kiến thức và mối quan hệ”. Có những tháng, cuối tuần nào anh Sáng cũng đem những chú chim của mình đi giao lưu.
Không chỉ riêng anh Sơn hay anh Sáng, hiện nay tại Hải Dương có rất nhiều người chơi chim chào mào lâu năm, được coi như là những nghệ nhân chơi chim, người nuôi ít thì 2 – 3 con, người nuôi nhiều có đến 20 con chim.
Họ nắm rất rõ về cách chăm sóc và huấn luyện một chú chim tốt để đem đi thi đấu. Bởi vậy, đã có những CLB chào mào ở các huyện, thị xã, thành phố được lập ra để thỏa mãn đam mê, cũng là nơi giao lưu, học hỏi của những người yêu thích loài chim này.
Chơi chim không chỉ lấy đi nhiều thời gian mà cũng khá tốn chi phí. Theo những người chơi chim chào mào lâu năm, mỗi con chim chào mào sẽ có giá dao động từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng tuỳ vào vẻ đẹp, tiếng hót và kinh nghiệm của chúng.
Một chiếc lồng cho chim sinh sống cũng có giá trong khoảng 200.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Ngoài ra còn kể đến chi phí mua áo lồng, thức ăn cho chim.
Có thể thấy, mặc dù chăm sóc hơi vất vả, tốn kém nhưng đối với những người chơi chim chào mào thì đó lại là thú vui tao nhã, lành mạnh. Hằng ngày, được nghe tiếng hót trong trẻo của chúng giúp họ yêu đời và làm đẹp hơn cuộc sống.
- Tuấn Hưng: Tôi sẵn sàng đánh đổi 10 phim thương mại để đóng ‘Đào, Phở và Piano’
- 4 lý do vì sao bạn nên ôm con nhiều hơn
- 10 điều chăm làm sẽ giúp chị em trẻ lâu, quý phái hơn theo năm tháng
- Bố mẹ chi 50 triệu cho con “màn trời chiếu đất”, xuyên Việt 30 ngày trên nhà di dộng
- Hà Nội: Ưu tiên rào lô cốt hay đường đi cho người dân?