Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
106 lượt xem

Chuỗi quán karaoke thuê mặt bằng 3-4 tỷ/năm, sửa chữa chục tỷ rồi đóng cửa chờ

Quy định phòng cháy, chữa cháy đối với hoạt động kinh doanh karaoke là cần thiết nhưng cơ quan quản lý đang lúng túng. Chủ các chuỗi quán karaoke kêu trời vì đã đáp ứng đủ yêu cầu nhưng vẫn chưa được ký nghiệm thu để hoạt động trở lại

Rối như ‘canh hẹ’

Những ngày này, anh Nguyên, chủ cơ sở kinh doanh karaoke tại TP.HCM, không biết tìm đâu đơn vị kiểm định chất lượng vật liệu công trình. Dù chỉ là một tấm ván, được cơ quan chức năng yêu cầu thay để chống cháy, nhưng anh không rõ đơn vị nào kiểm định và giấy phép kiểm định được cấp ra sao.

“Tấm ván được dùng ốp làm phẳng bề mặt bên trong các phòng hát. Giờ chúng tôi không hiểu bên nào là đơn vị kiểm định mức độ chống cháy, khó cháy của các vật liệu dạng như thế này. Trong khi đó, bên trong một phòng hát có tới hàng chục vật liệu khác nhau. Thử hỏi nếu không công bố đơn vị cung cấp vật liệu, đơn vị kiểm định chuẩn thì làm sao các cơ sở kinh doanh karaoke có thể thực hiện để đạt chuẩn”, anh Nguyên than vãn.

Theo anh, đây chỉ là ví dụ điển hình cho thấy sự lúng túng của nhà chức trách trong quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các điểm kinh doanh karaoke. Điều này khiến nhiều quán karaoke sau khi sửa chữa, cải tạo hoàn tất, đề nghị cơ quan chức năng xuống kiểm tra, phê duyệt cũng không một đơn vị nào đến, mời ký thẩm định cũng không ai dám ký.

Chưa dừng lại ở đó, PC07 (Công an TP.HCM) kiểm tra về mặt chuyên môn PCCC, nhưng các quận lại đóng vai trò quyết định cho cơ sở có được tiếp tục hoạt động karaoke hay không. Quy trình ra sao để một quán karaoke có thể mở lại hoạt động bình thường như trước kia cũng không ban hành rõ.

Trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan tương tự, anh Nam, quản lý karaoke trên đường 3/2, TP.HCM, cho biết, đơn vị đã hoàn thành 8 hạng mục theo yêu cầu của cơ quan chức năng trước đó. Ví dụ, vách ngăn trong phòng không có vật liệu dễ cháy; có mặt nạ phòng độc tại phòng, hành lang; hệ thống tự động ngắt âm thanh toàn bộ quán nếu phát hiện cháy; có hai lối thoát hiểm…

“Cơ quan chức năng cũng đã tới kiểm tra và đánh giá chúng tôi đạt yêu cầu. Dẫu vậy, họ cho biết, vẫn đang đợi… quy định từ ngoài Bộ”, anh thông tin.

Anh Dương Mạnh Hưng, chủ một quán karaoke trên phố Triệu Việt Vương (Hà Nội), cho hay, trước khi bắt tay vào sửa chữa lại gần 4 tháng trước, bản vẽ đã được cơ quan chức năng PCCC phê duyệt thiết kế. Theo bản thiết kế này, cơ sở kinh doanh của hầu như phải thay đổi và sửa lại toàn bộ, bao gồm lắp đặt cầu thang thoát hiểm độc lập, hệ thống báo cháy tự động, thay toàn bộ các thiết bị cách âm vật liệu không cháy hoặc khó cháy…

“Sửa chữa xong đến nay đã được 3 tháng, nhưng chưa có cơ quan chức năng nào đến nghiệm thu”, anh Hưng nói.

Đại diện chuỗi karaoke ICool (TP.HCM), chị Đinh Hoàng Thùy Dương, cho hay, PC07 (Công an TP.HCM) đang yêu cầu thẩm duyệt lại toàn bộ các cơ sở karaoke trên địa bàn theo quy chuẩn mới tại Thông tư 06/2022/TT-BXD ban hành tháng 11/2022, có hiệu lực từ 16/1/2023.

Nhưng oái oăm là, dù quá trình thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy mất nhiều tháng nhưng cán bộ quận đi kiểm tra lại yêu cầu quán karaoke  ICool phải xin thẩm duyệt lại trong vòng 30 ngày, nếu không sẽ thu hồi giấy phép hoạt động.

Không chỉ tại khu vực TP.HCM, theo tập thể các đơn vị kinh doanh karaoke tại Hà Nội, sau khi nhận biên bản kiểm tra, nhiều cơ sở karaoke không biết phải sửa chữa sao cho đạt yêu cầu, dùng vật liệu gì cho đúng quy định mới,… dù trước đó, hoạt động kinh doanh karaoke vẫn thực hiện đúng nghiệm thu của cơ quan nhà nước, hàng năm đều có kiểm tra định kỳ.

Tiền tỷ trôi sông

Sau khi xảy ra vụ việc điển hình như cháy quán karaoke ISIS (Hà Nội) ngày 2/8/2022 và quán karaoke An Phú (Bình Dương) ngày 6/9/2022, động thái siết chặt các quy định PCCC của cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại hay sự việc đáng tiếc xảy ra trong quá trình kinh doanh loại hình dịch vụ này.

Dẫu vậy, đi cùng với siết chặt lại là sự lúng túng trong quy định ban hành, thiếu hướng dẫn cụ thể, khiến giới chủ kinh doanh karaoke thiệt hại không nhỏ thời gian qua.

Đại diện karaoke FYou ước tính, chi phí thuê mặt bằng tốn 300 triệu đồng/tháng, chi phí cải tạo, sửa chữa khoảng 10 tỷ đồng. Do không chịu nổi gánh nặng chi phí và gặp vướng mắc về các quy định phòng cháy, chữa cháy, đơn vị đã phải đóng 2/4 cơ sở kinh doanh của mình.

Hệ thống karaoke ICool thống kê, chi phí cải tạo theo chuẩn mới mất từ 4-6 tỷ đồng/cơ sở. Với quy mô 20 chi nhánh trên cả nước, đơn vị không có nguồn thu nhưng đang gánh chi phí duy trì hoạt động; khả năng trả lãi vay ngân hàng không còn; 600 nhân viên, cộng tác viên không có việc làm trong thời gian dài. Chưa kể, chi phí đầu tư ban đầu rất lớn.

Cuối năm 2022, ngay trong đơn kiến nghị của tập các đơn vị kinh doanh karaoke tại TP.HCM gửi Chủ tịch UBND thành phố; Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an); Giám đốc Công an TP.HCM, các doanh nghiệp đã báo cáo, mỗi phòng hát tại TP.HCM có chi phí trang trí trung bình 200-500 triệu đồng/phòng, có hàng nghìn phòng hát trên toàn địa bàn thành phố với tổng chi phí trang trí lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đã được các cấp có thẩm quyền kiểm tra, nghiệm thu, cho phép hoạt động theo đúng quy định pháp luật.

Giới kinh doanh karaoke tại TP.HCM cho rằng, con số phải bỏ ra để cải tạo mỗi điểm kinh doanh cũng sẽ tốn từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, gây lãng phí rất lớn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành karaoke đã thua lỗ vài năm nay, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, khiến hàng nghìn lao động phổ đang làm việc bị ảnh hưởng.

Tương tự, tập thể kinh doanh karaoke tại Hà Nội cũng đồng loạt “kêu cứu” khi số tiền mỗi cơ sở phải bỏ ra lên đến hàng tỷ đồng. Các doanh nghiệp từng thế chấp nhà cửa với ngân hàng để lấy tiền đầu tư vào hệ thống phòng cháy, chữa cháy, giờ hệ thống đó lại bị kết luận là không đạt tiêu chuẩn mặc dù không cải tạo, sửa chữa gì so với trước đây.

Theo anh Nguyên, chủ cơ sở kinh doanh karaoke tại TP.HCM, chi phí đầu tư một điểm hát từ 15-20 tỷ đồng. Khi cơ quan quản lý nhà nước công bố không đạt chuẩn, chủ đầu tư thà chấp nhận mất trắng số tiền ban đầu. Nhưng nếu cứ chậm trễ, thiếu rõ ràng thì khoản tiền thuê mặt bằng hàng tháng lại là một gánh nặng thêm khác đối với doanh nghiệp. Quy định ban hành vẫn cứ chung chung như hiện tại thì một năm nữa cũng không đi tới đâu.

Vietnamnet

Bài viết cùng chủ đề: