Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
134 lượt xem

Đua nhau bỏ việc để đi làm “cò đất” và cơn sốt đất từ “miệng cò”

Nhiều nhân sự của các ngành nghề sẵn sàng bỏ việc để chuyển sang đi làm “cò đất” đã vô tình góp phần tạo ra những cơn sốt đất, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản và kéo theo không ít hệ lụy cho xã hội.

Bất kể ai cũng thành môi giới đất

Với những ai quan tâm theo dõi thị trường bất động sản, sẽ không lạ gì những cơn “sốt đất” thường xuất hiện mỗi năm ở một số vùng, địa bàn nhất định. Mức thu nhập cao cùng quan điểm cho rằng dễ dàng kiếm hàng chục đến hàng trăm triệu đồng với mỗi lần giao dịch khiến nhiều người đổ xô vào mua bán đất đai, người có vốn thì trực tiếp trở thành nhà đầu tư, người không có vốn thì trở thành người môi giới bất động sản.

Thực tế cũng đã cho thấy, nhiều người đã giàu lên từ bất động sản mà chẳng cần bằng cấp chuyên ngành hay cần nhiều năm kinh nghiệm. Đó có thể là bất cứ ai, người có tài ăn nói, kỹ năng phân tích thị trường, biết lướt sóng, làm chênh giá, đôi khi là thêm một chút may mắn… Việc đổi đời nhờ buôn đất không phải là hiếm.

Chính bởi vậy, những người “rẽ ngang” sang làm môi giới đất thời gian qua rất nhiều, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các thời kỳ thực hiện giãn cách xã hội. Trong số đó, không ít người đang có chuyên môn cao, nghề nghiệp ổn định bỏ cả nghề chính để đi làm môi giới đất. Từ các cán bộ Nhà nước, kỹ sư, giáo viên cho đến nhân viên văn phòng đều sẵn sàng bỏ việc chuyên môn để làm “cò đất”, “cò nhà” với mong muốn kiếm thêm thu nhập.

Anh Đức Thắng (Ninh Bình), từng làm viên chức Nhà nước tại TP. Ninh Bình được 3 năm, tuy nhiên đến cuối năm 2020 thì anh Thắng quyết định nghỉ hẳn công việc này để chuyển sang nghề môi giới bất động sản và mở hẳn một văn phòng môi giới tại nhà.

“Mỗi giao dịch thành công tôi được trả phí từ 2 – 3% giá trị sản phẩm, tương đương với cả năm thu nhập trước đây. Đấy là chưa tính đến việc nếu ôm được đất, nhiều khi chỉ trong vài ngày sang tay đã lãi đến cả trăm triệu. Trong khi đó, lương công chức có khi làm cả đời cũng không thể bằng việc buôn bán đất như thế”, anh Thắng chia sẻ.

Anh Mạnh Hải (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là nhân viên ngân hàng cũng quyết định bỏ công việc từng làm để chuyển nghề làm môi giới địa ốc cho một sàn bất động sản ở Hà Nội.

Anh Hải tâm sự lý do chuyển nghề: “Công việc tại ngân hàng phải chịu nhiều áp lực, vất vả mặc dù lương cũng cao nhưng tính ra chẳng đáng là mấy so với lời lãi của buôn bán bất động sản. Hơn nữa, làm môi giới còn được giao tiếp với nhiều người, mở rộng được mối quan hệ hơn và được đi ra ngoài nhiều so với việc suốt ngày ngồi một chỗ ôm cái máy tính”.

Tương tự, chị Hoàng Hoa (Nam Từ Liêm, Hà Nội), tốt nghiệp đại học Sư Phạm, hiện đang là giáo viên cấp 2 một trường trong quận, cũng “sắm” thêm cho mình nghề tay trái là làm môi giới đất trong thời gian không thể đến trường dạy học. “Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi làm môi trường bất động sản. Tuy nhiên, trong trường nhiều anh, chị giáo viên đều giàu lên từ việc buôn bán đất đai. Nhìn mọi người mỗi lần giới thiệu thành công đều được nhận tiền ngay khiến tôi cũng ham. Từ đó, tôi đi theo học hỏi và ‘sắm’ thêm cho mình nghề tay trái luôn”, chị Hoa nói.

Đến cả những sinh viên chưa ra trường cũng “ồ ạt” bỏ học để đi làm môi giới bất động sản bởi công việc này hứa hẹn kiếm được nhiều tiền mỗi tháng. Hay một người bán nước, xe ôm cũng không đứng ngoài sự hấp dẫn của việc môi giới đất đai.

Anh Lê Nam, từng là sinh viên của trường Đại học Thủy Lợi chia sẻ: “Ban đầu tôi chỉ định kiếm việc làm thêm trang trải sinh hoạt phí mỗi tháng,vậy mà lại ‘hợp duyên’ với nghề môi giới bất động sản, thành ra bị dở dang việc học, treo bằng đại học đã gần 2 năm nay rồi”.

Thực tế là có rất nhiều người giàu lên từ việc chuyển sang làm người môi giới đất, số tiền kiếm được đã giúp họ có cuộc sống tốt hơn khiến cho mọi người ồ ạt bỏ công việc ổn định sang làm môi giới với hy vọng mình nằm trong số đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công, nhiều trường hợp không có kiến thức, thiếu kinh nghiệm nhưng chạy theo đám đông đã phải nhận “kết đắng”.

Anh Mạnh Dũng (môi giới bất động sản lâu năm tại Hà Nội) chia sẻ: “Thực chất làm môi giới bất động sản không phải lúc nào cũng giàu lên nhanh chóng, vẫn có những người cả mấy tháng trời hay cả năm không bán được lô đất nào. Nhiều khi những tấm ảnh giao dịch mà mỗi ngày họ đăng chỉ là những giao dịch ảo, dùng để ‘câu’ khách chứ khách thật thì chẳng thấy đâu”.

Hệ lụy không nhỏ

Theo các chuyên gia bất động sản, thị trường càng nóng thì nhân sự gia tăng chuyển từ các ngành nghề khác sang càng đông, chưa nói đến một bộ phận những người không có trình độ cũng muốn trở thành môi giới bất động sản. Không ít người sẵn sàng dùng các chiêu trò như tung tin đồn thổi, mua đi bán lại, lôi kéo nhiều người tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch, gây nhiễu loạn thông tin, nhằm đẩy giá bất động sản lên cao trục lợi.

Một trong những nguyên nhân khiến đất nền tại nhiều địa phương tăng “sốt” trong thời gian qua, theo ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam là do đội ngũ các môi giới bất động sản hoạt động không chuyên nghiệp, “lệch chuẩn” đã tạo nên các cơn sốt đất, sốt giá ảo và bong bóng thị trường bất động sản trong thời gian qua.

Những môi giới bất động sản này đã tung tin thất thiệt, không chính xác, tạo nên sự nhiễu loạn thông tin trên thị trường bất động sản. Đồng thời, tiếp tay cho chủ đầu tư không tuân thủ pháp luật, phân phối hàng không đảm bảo quy định pháp luật, dẫn đến rủi ro cho khách hàng và khiến thị trường bất động sản khó kiểm soát, dễ bị đổ vỡ.

Từ những thông tin đồn thổi về quy hoạch trên mạng xã hội kết hợp cùng chiêu trò tâm lý đám đông mà các “cò đất” tạo ra mà nhiều mảnh đất được tăng giá trị gấp 2 – 3 lần so với giá thực tế. Điều này làm không ít các nhà đầu tư “sa bẫy”, bán tháo nhà, đất hay vay tiền để mua bất động sản.

Hơn nữa, môi giới bất động sản là lĩnh vực mang lại nhiều thu nhập so với các ngành nghề khác trong xã hội. Thế nhưng, phần lớn các môi giới hiện nay chưa thực hiện việc kê khai, đóng thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. Điều này gây bất bình đẳng trong xã hội, làm thất thoát nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Thực tế hiện nay, chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào cấm công viên chức, giáo viên, sinh viên hay bất kể ngành nghề nào đi làm môi giới bất động sản nhưng nếu cứ tiếp tục như thế này sẽ kéo theo năng suất lao động của toàn xã hội giảm sút do thiếu tập trung phát triển chuyên môn ngành nghề chính, hạn chế sự phát triển trong tương lai. Vấn đề này vẫn còn đang bị bỏ ngỏ./.

Bài viết cùng chủ đề: