Tới một ngày nào đó phụ nữ sẽ nhận ra, thà mình đừng hy sinh quá nhiều cho nhà chồng thì đời mình đã bớt khổ, thà mình “ích kỷ” một tí, nghĩ cho bản thân một tí thì giờ đây có lẽ mọi chuyện đã khác.
Tôi ghét sự hy sinh, hy sinh một cách mù quáng mà không biết nghĩ gì cho bản thân. Để rồi cay đắng nhận ra dù có hy sinh nhiều thêm nữa vẫn như muối bỏ bể, vẫn là chưa đủ.
Như bao người phụ nữ khác, cũng nhìn thấy cảnh làm dâu của mẹ và rồi chính mình cũng đi làm dâu, tôi thấu hiểu cái cảm giác phải-hy-sinh cho gia đình là gì.
Nói phải-hy-sinh vì nhiều khi cũng muốn thôi cái sự hy sinh ấy lắm, cơ mà mọi người xung quanh và nhìn rộng ra là xã hội cứ đè họ, ép họ vào cái tình thế phải làm vậy thì mới là người phụ nữ của gia đình. Mấy người phụ nữ không vì gia đình đâu? Vậy nên họ cứ mặc nhiên phải hy sinh thôi.
Nói không ngoa thì cái từ “hy sinh” hay được nghe nhất trong các cuộc thi hoa hậu.
– Theo em, đức tính nào của người phụ nữ Việt Nam mà em thấy là tuyệt vời nhất?
– Em xin được trả lời câu hỏi của ban giám khảo. Theo em, đức tính tuyệt vời nhất của người phụ nữ Việt Nam là đức hy sinh ạ!…
Rồi cả hội trường vỗ tay rầm rầm tán thưởng cho câu trả lời xuất sắc.
Riêng tôi thấy câu trả lời đó thật đáng suy ngẫm. Suy ngẫm xem tại sao biết bao con người lại cho rằng sự hy sinh là cái gì đó cao quý, đáng để tôn vinh và nhân rộng.
Hãy nhìn lại những tháng ngày hy sinh của mẹ. Thức khuya, dậy sớm, làm việc quần quật vì chồng vì con mà chẳng có phút giây nào nghĩ cho bản thân. Vất vả kiếm được đồng tiền cũng chỉ để dành mua món quà, tấm bánh, manh áo mới cho chồng cho con mà chẳng đoái hoài tới cái áo đã sờn, đôi dép đã rách vá chằng vá chịt, tới làn da sạm đi vì nắng khiến mẹ già trước tuổi.
Hãy nhìn lại những tháng ngày hy sinh của chính mình. Đi làm quần quật về nhà lại cơm nước, con cái, tắm giặt, học hành, nội-ngoại, mà quái lạ là cái gì cũng cứ phải chu toàn, kiểu giỏi việc nước đảm việc nhà.
Nhiều khi bạn hy sinh chẳng tính toán mà người đời lại cứ toan tính. Bạn gầy mòn, suốt ngày sấp sấp ngửa ngửa, chồng thì lười chảy thây, béo phây phây thế mà mẹ chồng vẫn bảo: “Con phải cho nó nghỉ ngơi, ăn uống cẩn thận vào, mẹ thấy nó gầy đấy”?!
Mỗi dịp lễ tết, cứ phải về nhà nội vì “lâu lắm rồi không về” mà ông bà không tự hỏi “bao lâu rồi nó chưa về nhà ngoại”. Ngẫm mà tủi thân ghê gớm.
Tâm lý phụ nữ phải biết hy sinh bó con người ta vào trong cái khuôn khổ của sự mệt mỏi, không cho phép phụ nữ được làm điều mình thích và không cho đàn ông được làm điều đáng lẽ họ phải làm.
Thay vì nói “hy sinh” hãy nói “biết suy nghĩ cho người khác”. Vì biết suy nghĩ cho người khác thì vẫn còn biết nghĩ cho bản thân mình chút gì đó chứ chẳng phải cho đi tất cả rồi nhận về nhiều khi cũng chỉ là sự bất định.
Đâu đó không chỉ là sự hy sinh của một người mẹ, một người vợ mà còn là sự hy sinh của biết bao người phụ nữ trong mỗi gia đình nhỏ. Còn biết bao sự hy sinh nữa không thể kể hết và cũng bởi chẳng thể nhớ hết.
Có ai còn muốn được làm người hy sinh?
- Người đàn ông làm nên đại sự, gánh vác việc lớn nhất định phải rè luyện 4 chữ “khí”
- Quảng cáo bán đất, “tặng kèm” chị dâu xinh đẹp nếu hợp với khách mua
- Phụ nữ đến tuổi này dễ ngoại tình, các anh chồng lo mà giữ vợ
- Chuyện làng Việt: Nhớ hoài món thịt chuột đồng, đặc sản miền Tây
- Tôi muốn mua nhà, chồng lại thích có ô tô “ra oai” khi về quê