Tôi vừa bế con bé đi gửi nhà trẻ và lại gặp thêm một phụ huynh hiếu kỳ. ‘Bé nhà chị nặng mấy ký, cao mấy chục centimet?’.
Câu hỏi trên quen thuộc đến mức tôi nghe chưa xong đã biết hết họ định nói thêm điều gì. Nhiều bà mẹ tôi vô tình gặp ngoài đường giống như một chuyên gia dinh dưỡng, y tế hết sức chuẩn xác khi họ có thể thẳng thừng tạt gáo nước lạnh vào tâm trí nóng bừng của những bà mẹ yêu con: “Gầy quá”. “Thấp quá”. “Còi xương rồi”. “Bị thiếu vitamin D!”.
Con gái tôi 12 tháng, nặng 8,3 kg, đi đến đâu cũng bị từ hàng xóm tới họ hàng, cô, dì, chú, bác chê gầy, suy dinh dưỡng, còi xương, nhiều người còn nhìn tôi ra chiều rất thông cảm “cẩn thận con nó thiếu chất dẫn đến không phát triển trí não”. Đầu tiên tôi rất hùng hổ tranh luận, nào là không có chuẩn mực nào cho những cân nặng, chiều cao của những đứa trẻ từ khi mới sinh ra; nào là miễn con linh hoạt, khỏe khoắn, nhanh nhẹn, hoạt bát là được…
Lâu dần tôi nhận ra, hình như những người xung quanh không quan tâm câu trả lời của mình là gì. Điều họ muốn là thỏa trí hiếu kỳ, thỏa nguyện việc được đánh giá ngoại hình của một em bé và mặc kệ cho những lo lắng, tổn thương gây ra cho những bà mẹ với những điều bâng quơ mà họ nói.
Tôi học cách im lặng và mỉm cười duyên dáng với những câu hỏi của những người bên cạnh. Tôi cũng học cách trơ lỳ cảm xúc với những lời nhận xét có màu sắc vô cảm về cân nặng, chiều cao của con mình, từ những người quen biết hoặc lần đầu gặp gỡ.
Em họ tôi, 29 tuổi, đã sinh đứa con thứ hai nhưng vẫn lo sốt vó khi người đến thăm bảo sao con nhẹ cân thế; sao rụng tóc vành khăn thế, bị thiếu canxi rồi, mua canxi uống ngay; sao mãi chưa biết đi, có bị còi xương không… Tôi luôn khuyên em, nên đọc kỹ các tài liệu về nuôi dạy con, tham khảo kỹ lưỡng ý kiến bác sĩ, đồng thời đừng ngộ nhận bất cứ điều gì về thiếu chất này, chất khác chỉ vì một số biểu hiện bên ngoài mà không có các cuộc xét nghiệm cần thiết tại bệnh viện uy tín.
Hoàng Ngọc Đồng An, một bà mẹ Việt nổi tiếng trên mạng xã hội, hiện đang có cuộc sống hạnh phúc cùng gia đình với hai cô công chúa của mình tại Thụy Sĩ từng có một bài viết trên trang cá nhân nói về con gái lớn của mình, khi 12 tháng tuổi mà chỉ nặng 8,2 kg, song, con hoàn toàn khoẻ mạnh và thông minh, đến nay đã khôn lớn, duyên dáng, đa tài…
Tôi không cổ xúy cho việc các bà mẹ chỉ suốt ngày chăm chăm trên facebook để nuôi dạy con theo phương pháp chia sẻ cho nhau. Thế nhưng, trên thế giới ảo vẫn có rất nhiều những điều tốt đẹp mà các bà mẹ hoàn toàn có thể học hỏi được từ những người có kinh nghiệm. Tôi cho rằng, nó chắc chắn hơn những phép so sánh “con chừng này tuổi thì phải nặng bao nhiêu cân, dài bao nhiêu centimet” mà những bà mẹ vẫn đang làm đau lòng nhau, vô tình hay cố ý.
Tại sao trẻ em Việt Nam có quá nhiều em bé béo phì và đặc biệt, ở TP.HCM, đô thị lớn nhất lại có số trẻ béo phì lớn nhất cả nước? Phải chăng đó là do tâm lý nhìn đâu cũng thấy con gầy, con suy dinh dưỡng, con thấp còi của nhiều người?
Đừng ép trẻ ăn lúc nhỏ rồi lớn lại bắt trẻ ăn kiêng…
Cô em chồng tôi đã một mực không cho con gái 9 tuổi của mình ăn thêm bất cứ một chén cơm nào trong bữa trưa, chỉ vì cân nặng của cháu đang gần tiến đến con số 50. Ngày nhỏ, cháu sinh ra đã được uống sữa công thức, ông bà nội và ngoại lúc nào cũng muốn con phải thật tròn, thật tròn nên đã bắt cháu uống không biết bao nhiêu sữa công thức ngày đêm. Ép con ăn uống quá nhiều khi nhỏ, còn khi chúng lớn lên bắt chúng ăn kiêng đủ thứ, tại sao phải làm khổ mình và khổ lây cả những đứa con, chỉ vì mong ước “con được tròn” hả các bố mẹ?
Một người bạn của tôi đang sống ở California, Mỹ kể chuyện, chị từng đưa các con về Việt Nam chơi, đi đến đâu cũng bị chọc “sao Việt kiều gì mà lại như đói ăn?”. “Trong quan niệm của nhiều người, trẻ em Mỹ phải ăn sữa công thức từ lúc chui ra từ bụng mẹ, người từ Mỹ về phải to béo và phốp pháp. Tất cả đều sai lầm! Chúng tôi nuôi con sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, trẻ em nên quan tâm chúng biết làm những gì, chứ không phải chúng nặng bao nhiêu, dài bao nhiêu”, chị bạn tôi lên tiếng.
Vâng, các bố mẹ, chúng ta đừng làm khổ nhau nữa. Hãy hỏi con của những người bạn, cháu đã biết làm những trò gì rồi, múa hát gì cho bố mẹ ông bà nghe đi… Làm ơn đừng hỏi con nặng, con cao bao nhiêu nữa.
Chừng nào chúng ta còn hỏi những câu hỏi này, trẻ em còn bị bạo hành để ép ăn trong các nhà trẻ, cha mẹ còn khổ sở vì sữa công thức, thực phẩm tăng cân và những muộn phiền do ngày đêm stress. Có con là niềm vui, hãy quăng cái cân đi để niềm vui gia đình luôn trọn vẹn!
- Tài sản tăng 13 lần sau khi quyết định "bỏ phố về quê"
- Cây rau dân dã có tác dụng dưỡng gan, tinh mắt, giúp cơ xương chắc khỏe
- Hà Nội: Hiện trường vụ xe buýt lao vào quán bún chả, 2 người nhập viện
- Lý do người giàu không gửi tiền trong ngân hàng hoặc đầu tư vào nhà cửa: Hai phương thức này đã quá lỗi thời!
- Chuyện thật như đùa: Học 4 năm ĐH đến lúc tốt nghiệp mới biết mình học “trường ma”, vốn từ đầu chưa từng trúng tuyển