Một biểu tượng hưng vượng
Từ Hà Nội xuôi Nam độ 40 cây số là đến làng Cựu, nay thuộc xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên. Nhiều người gọi làng Cựu là làng Tây, bởi rằng những kiến trúc của làng có lẽ quá khác biệt, đẹp nổi trội so với những kiểu làng cổ quen thuộc của vùng chiêm trũng Bắc bộ. Nhưng đi vào chi tiết, làng Cựu thực là một ngôi làng thuần chất Á Đông, với những nét trang trí tinh tế vừa giản dị đơn sơ, vừa khoáng đạt bay bổng, mượn một chút kiểu thức trang trí mang phong cách Tây Âu để tôn lên vẻ đẹp của những kiến trúc đậm nét thuần Việt, và điều thú vị là sự hoà trộn hoàn hảo ấy đã gần một thế kỷ qua vẫn còn nguyên vẻ đẹp với thời gian.
Sự giàu có, hưng thịnh của làng Cựu được kể lại rằng bắt đầu từ thời Pháp thuộc, người làng Cựu nổi tiếng với nghề may Âu phục khắp xứ Bắc kỳ, nhờ vậy, nhà nhà trong làng phất lên nhanh chóng, và sự hưng vượng của làng thể hiện qua các kiến trúc nhà ở bắt đầu được xây dựng từ những thập kỷ 20 – 50 của thế kỷ 20. Về lại làng Cựu hôm nay, chiếc cổng làng bề thế – là kiến trúc cổ cao nhất ở làng Cựu, được xây theo lối kiến trúc quyển thư, tựa như một cuốn sách khổng lồ – đang mở ra đón khách. Vọng các của cổng làng với mái ngói, bờ đao cong vút, hai đôi nghê đắp nổi dù đã sứt mẻ theo thời gian nhưng vẫn còn nguyên nét đẹp cổ kính, thể hiện sự bề thế của một ngôi làng trù phú.
Tiếp tục đi theo con đường làng uốn lượn, những ngôi nhà khang trang, những con hẻm lát gạch phủ rêu phong dần mở ra một câu chuyện khác, câu chuyện về những biểu tượng, những đường nét trang trí trong kiến trúc mà qua đó, người ta có thể hiểu được ý đồ của chủ nhân muốn gởi gắm những thông điệp cùng lời ước mong, cầu chúc điềm lành, điềm may, sự giàu sang, phú quý…
Trên cổng vào một ngôi nhà ở làng Cựu có hình tượng con dơi, trong âm Hán – Việt, con dơi gọi là “bức”, đọc giống với chữ “phúc”, thế nên dơi cũng là một biểu tượng trong kiến trúc, trang trí với hàm ý đem lại năm điều lành, phúc đức (ngũ phúc) gồm: giàu có, sống lâu, mạnh khoẻ, đức tốt, và hưởng trọn tuổi trời (phú, thọ, khang ninh, hảo đức, khảo chung mệnh).
Ở chiếc cổng này, con dơi lại ngậm chữ thọ được cách điệu nhìn tròn đều như một chiếc mai rùa (rùa cũng là biểu tượng của sự trường thọ), chắc hẳn gia chủ đã gởi gắm nhiều ý nghĩa của gia đình lên chi tiết trang trí ấy. Bởi dơi đi với chữ thọ, nghĩa là phúc – thọ, một hàm ý đầy đủ với lời chúc cho gia đình có phúc và đắc thọ.
Độc đáo cổng nhà
Người làng Cựu từ những năm 40 ở thế kỷ 20 đã rất thành đạt, xây nhà cao cửa rộng, đi làm ăn xa và cư ngụ luôn tại các tỉnh thành lớn, vì vậy những kiến trúc lừng lẫy một thời nay hầu hết đều vắng chủ. Nhưng những tấm đại tự trên vòm cổng lại là một điểm nhấn về kiến trúc hết sức độc đáo của làng Cựu.
Mỗi gia đình, mỗi ngôi nhà xưa, lại có một cách thể hiện câu chữ, liễn đối, kiến trúc khác biệt. Những bức đại tự chữ Hán như: Nhật phụ mộc (mặt trời phủ xuống cây cối), Lợi du vãng (nguồn lợi từ xa đến), Đắc kỳ môn (xây được nhà này), Du môn kiết (may mắn trong nhà này). Đến những đại tự mang hàm ý đầy phong lưu như Hào hoa phong nhã, hay Thiểu cao đại (bớt tự cao tự đại) – như một lời nhắc nhở với gia chủ thể hiện tính khiêm tốn với mọi người.
Một trong những kiến trúc đẹp nhất của làng Cựu hôm nay đó là ngôi nhà của cụ Phó Du mà hiện gia đình ông Bùi Văn Khánh đang cư ngụ, ngôi nhà được xây dựng từ năm 1929, và cũng là một trong những ngôi nhà cổ nhất làng Cựu. Trên cổng vào, hình tượng con tôm đắp nổi tinh tế, với đôi càng khoẻ như đang nâng niu bức đại tự bốn chữ Nhập hiếu xuất đễ (hàm ý: vào nhà có hiếu với cha mẹ ra ngoài nhường nhịn anh em).
Vừa qua cổng, không gian kiến trúc nhà ở là những nét pha trộn kiến trúc Á – Âu, cửa lá sách, rồi các cột trụ, đầu hồi… đều được đắp nổi đề tài hoa lá, tỉa cạnh rất đặc trưng của Tây Âu, nhưng trên chóp mái lại là bức phù điêu Tam tinh – chính là bộ Tam đa (phước – lộc – thọ) quen thuộc trong văn hoá Á Đông thường thấy tại các nước Việt Nam, Trung Quốc… với dòng Hán tự: Tam tinh cung chiếu (ba vì sao toả chiếu). Sự hoà trộn tây – ta ấy chẳng hề… lạc quẻ, mà trái lại trông rất hài hoà, sang trọng, bề thế, phần nào thể hiện một vị thế cao quý của gia chủ trong làng Cựu thời bấy giờ.
Đi trong làng Cựu, cứ như lạc vào một kho tàng của văn chương cổ thông qua những nét trang trí liễn đối, càng làm tăng thêm ý nghĩa và vẻ đẹp cho mỗi kiến trúc cổ của làng. Từ ngay cổng làng, đôi câu đối thể hiện sự cởi mở, phóng đạt trong khí khái của người làng Cựu: “Kỳ ngoại bất bế thanh bình y tạc thử giang sơn. Nhật hậu hữu hưng cao đại tối nghi dung mã cái” (tạm dịch: Bên ngoài không đóng nước non vẫn thanh bình như xưa. Ngày sau hưng vượng vẫn vừa cho ngựa xe lui tới).
Bước qua cổng làng, phía trong lại là đôi câu đối: “Tả hữu du nghi vân trình đản đản. Bắc Nam cộng hợp đại đạo bình bình” (tạm dịch: Phải trái sửa sang như đường mây rộng mở. Bắc Nam hợp với đạo lớn thẳng bằng).
Quả thật, đi trong làng Cựu, khách lạ luôn có được cảm giác gần gũi, dễ mến của người làng, cứ như cả hai đã gặp nhau từ lâu lắm, ai cũng sẵn lòng mời vào nhà, uống chén chè, tiếp dăm ba câu chuyện về một thời hưng vượng của làng Cựu ngày xa xưa. Trên con đường chính của làng, ngôi nhà của thương hiệu may Đức Lợi, một tiệm may nổi tiếng khắp Hà thành, có đôi liễn chữ Hán đề rằng: “Vượng phước lâm môn các gia hương. Thịnh khải cù thông vạn lý trường” (tạm dịch: Phước tốt đến nhà mọi vật đều thơm đẹp. Hưng thịnh mở ra thông tận xóm làng xa).
Bên cạnh phụng tổ đường (nhà thờ tổ), ngôi nhà của gia chủ có bức đại tự Hào hoa phong nhã, có đôi liễn ngay cổng vào: “Hoàn lộ nhật quang quân t̼ử̼ phục. Thanh phong thần dẫn cố nhân lai” (tạm dịch: Đường quan ngày ngóng người quân t̼ử̼. Gió mát sớm chờ bạn cố tri).
Cứ thế, mỗi khi đi qua từng ngôi nhà trên con đường làng Cựu, dù còn người ở hay đang đóng cổng im lìm, bỏ hoang, cảm giác cứ như đang được đi ngược thời gian trở về miền ký ức, thông qua những lối trang trí kiến trúc tiêu biểu của làng, đó là sự pha trộn hài hoà giữa những nét trang trí Âu và Á. Nhưng trên hết, từ những câu chữ của mỗi ngôi nhà nơi cổng vào, lại mang một nét Á Đông thuần khiết, một tính cách đặc trưng của gia chủ để người đời sau thoả chí tìm hiểu, chiêm nghiệm, và khám phá.
- Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: Tôi mua nhà năm 1990 hết 56 triệu đồng, bây giờ người ta gạ 20 tỷ đồng mà bà xã không chịu bán
- Vì sao phụ nữ trẻ chẳng ham đàn ông ở độ tuổi 50 và 60? Lý do vừa thực tế vừa bất lực
- Lãng phí thanh xuân "cày ngày cày đêm" cho giấc mơ mua nhà thành phố
- Nghịch lý: “Càng tiết kiệm càng… khó mua nhà”
- An Giang: Xếp hàng trăm bao đất trong bồn chỉ để…nuôi con trơn, mới sau 1 năm mà ông nông dân đã lời 80 triệu đồng