Vì quá thương yêu con, không ít ông bố bà mẹ sẵn sàng bênh vực con “từ nhà ra đường” bất kể con sai “đứt đuôi con nòng nọc”.
Có không ít chuyện bênh con cười ra nước mắt và cũng chính người lớn lại chật vật “xử lý” những biểu hiện của con trẻ mà gốc rễ là nếp nghĩ “con luôn luôn đúng”.
Những kiểu bênh con hại con
T. (ở Lâm Đồng) là con út, rất được ba mẹ cưng chiều, thương yêu và thường bênh vực T. mọi lúc mọi nơi. Khi họ hàng và hàng xóm than phiền T. gặp họ không thèm chào hỏi, trò chuyện thì lập tức mẹ T. giãy nảy: “Cháu nó đi học suốt ngày, đến ba mẹ mà nó còn không có thời gian chào thì bảo sao mà chào các bác được”.
Dù được tạo nhiều điều kiện để học hành nhưng thành tích học của T. vẫn lẹt đẹt. Khi T. thi rớt tốt nghiệp, ba mẹ lập tức đổ thừa… giám thị tráo bài T. cho người khác và cố gắng che giấu việc T. rớt tốt nghiệp bằng cách cho T. xuống TP.HCM với lý do… ôn thi đại học. Những ngày ở TP.HCM, T. càng có cơ hội rong chơi và yên tâm luôn có ba mẹ che chở.
Đẩy phần lỗi cho người khác để bênh con là giải pháp quen thuộc của không ít bậc cha mẹ, bất kể việc “đưa đẩy” ấy có thể khiến người khác tổn thương.
H. (TP.HCM) là con trai một trong một gia đình khá giả. H. đẹp trai, ăn nói có duyên và có sở thích chinh phục các cô gái. Chẳng mấy chốc anh chàng trở thành “sát thủ tình trường”, thậm chí khiến bạn gái có thai ngoài ý muốn. Khi chuyện vỡ lở, mẹ H. quyết liệt bảo vệ quý tử bằng lý lẽ: “Cái đó là tại tụi con gái không thông minh chứ có phải tại con tôi đâu. Nếu tụi con gái không dễ dãi hoặc có ý định gạ gẫm thì nó có làm được gì không? Tôi hiểu con tôi nhất, nó rất ngoan, gặp ai cũng chào hỏi, đi đâu cũng báo cáo đầy đủ với mẹ. Thế thì làm sao mà hư hỏng được”.
Chuyện cha mẹ bênh con cái không chỉ làm khổ người dưng mà lắm khi còn làm đau chính những người trong gia đình. Từ ngày về làm dâu, chị K. (TP.HCM) “lên bờ xuống ruộng” vì cô em chồng 25 tuổi ương ngạnh, có tính tiểu thư và đặc biệt được bố mẹ cưng chiều. Dù biết con gái lấn lướt, nhiều lần gây sự với chị dâu nhưng bố mẹ hoặc im lặng hoặc đồng tình.
Có lần chị K. quên mua dưa leo cho em chồng đắp mặt, lập tức cô em chồng “cáo buộc” chị cố tình chống đối, không thích ở cùng cô ấy. Ba mẹ chồng liền la mắng chị K. trước mặt các thành viên trong gia đình vì sai sót ấy, còn chồng chị không nói được câu nào để bênh vợ. Như giọt nước tràn ly, chị K. quyết dọn đồ về nhà mẹ. Quan hệ giữa chị K. và gia đình chồng rơi vào tình trạng chiến tranh lạnh.
Bởi ba mẹ không thể bên con suốt đời
Nhưng rất có thể đến một lúc nào đó các ông bố bà mẹ sẽ phải bối rối khi con trẻ có những biểu hiện khiến họ đau lòng, mà nguyên nhân sâu xa là việc “con luôn luôn đúng”. Đó cũng là điều chị Minh (Q.3, TP.HCM) thấm thía khi giáo dục bé Ngọc (4 tuổi).
Một hôm, trong giờ ngủ trưa tại lớp học mẫu giáo, bé Ngọc lén lấy chiếc kẹo để dưới gối của bé T. nằm cạnh. Khi tan học, bé T. méc lại với mẹ. Sẵn gặp chị Minh, mẹ bé Ngọc, cũng đi rước con, mẹ bé T. đến bắt chuyện và nhẹ nhàng góp ý.
Đáp trả những lời góp ý khéo léo của mẹ bé T., chị Minh tỏ ra giận dữ vì con mình bị cho là ăn cắp đồ của bạn. Thay vì phân tích cho con biết đúng sai, chị Minh lớn tiếng cho rằng con chị không bao giờ lấy cắp của ai, đồng thời phán thêm câu: “Bé T. còn thiếu tiền bé Ngọc nên nếu bé Ngọc có lấy kẹo của bé T. cũng đâu có gì sai!”.
Trước lý lẽ của chị Minh, mẹ bé T. và nhiều phụ huynh chứng kiến sự việc không khỏi bất bình. Một số người phân tích cho chị Minh hiểu việc làm của bé Ngọc trong trường hợp này là sai hoàn toàn nhưng chị vẫn kiên quyết không đồng ý. Theo lý lẽ của chị, bé Ngọc lấy cái đáng lấy nên không thể gọi là ăn cắp và cũng chẳng có gì sai.
Từ một chiếc kẹo lấy cắp của bạn được mẹ “khuyến khích” là không có gì sai, bé Ngọc thản nhiên lấy cắp cây bút, đồ chơi và tiền của bạn mà trong suy nghĩ non nớt của bé vẫn nghĩ rằng đó là việc làm đúng.
Hai tuần sau, đích thân cô giáo đã mời chị Minh vào làm việc sau khi phát hiện bé Ngọc nhiều lần lấy cắp đồ của bạn. Cô giáo cũng phân tích cho chị Minh hiểu việc chị đồng tình và bênh vực con một cách mù quáng đã khiến bé nghĩ rằng việc làm của mình đúng và tiếp tục làm việc đó dù rằng thực tế đó là một việc làm hoàn toàn sai.
Vì cha mẹ không thể bên con suốt đời và cuộc sống vốn nhiều biến động nên dù yêu thương vô bờ bến, cũng sẽ đến lúc cha mẹ không thể bênh vực con. Vậy nên, có lẽ khi con sai xin ba mẹ đừng bênh mà hãy giúp con dũng cảm đối diện với cái sai ấy và không lặp lại.
- Nếu bạn có một đứa trẻ cứng đầu, hãy học 6 cách dạy con này của cha mẹ Do Thái
- Sống "chất" hơn khi bỏ phố về quê: Nếu quá mệt mỏi với áp lực ở thành phố, hãy cho bản thân 1 cơ hội
- Bố mẹ quyết định "không chia đất" vì đã nuôi ăn học đại học
- “Người đàn ông” thứ 3 ở Việt Nam sinh con, quá trình thụ thai khiến chính người trong cuộc ngỡ ngàng
- Những tên gọi của Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử