Theo nhiều quan điểm, việc đâm đơn kiện hay những phản ứng bênh vực việc con bị phạt ở trường chẳng khác gì phụ huynh đang hại con mình.
“Dạy con mà không cho phạt thì làm sao trẻ tuân thủ pháp luật. Dạy trẻ kiểu đó, phụ huynh trao cho con thông điệp giáo dục gì?”, chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương có cái nhìn khác liên quan đến vụ cô giáo ở Thường Tín (Hà Nội) bắt học sinh quỳ trước bục giảng.
Theo tiến sĩ Hương, đã có rất nhiều giáo viên sử dụng “roi” để giáo dục và được học trò vô cùng yêu quý và trân trọng như cha mẹ đẻ.
Các cha mẹ dạy con, chăm con, lo cho con nhưng không hề quan tâm đến các thông điệp sẽ trao cho con. Nếu “chăm bẵm con quá đà”, con sẽ nhận được thông điệp là mọi người phải chăm sóc mình, mình không phải làm gì cả, rằng mọi thứ ngoài kia thật đáng sợ, phải để cha mẹ làm giúp, lo giúp, chứ mình không thể làm được.
Ngay cả việc cha mẹ nhắc con học, con sẽ nhận được thông điệp việc học là của bố mẹ. Nếu mình không học, cả nhà sẽ khổ sở. Vì thế, cần lấy điều đó ra làm giá với cả nhà hoặc kệ cho cả nhà nhắc rồi mới học.
Nếu bố mẹ không cho con làm việc nhà, con sẽ nhận được thông điệp là việc nhà của người khác, không phải của con. Con không việc gì phải làm cả. Cho đến khi gây gổ với cô khi con phạm lỗi, con sẽ nhận được thông điệp, con không bao giờ sai, không bao giờ phạm lỗi, chỉ có cô giáo gây sự thôi.
“Vậy các bậc phụ huynh muốn trao thông điệp giáo dục nào cho con?”, tiến sĩ Hương đặt câu hỏi.
Tại nhiều nước trên thế giới, việc giáo dục trẻ bằng hình thức khắt khe là bình thường. Trong đó, tại Mỹ có đến 19 tiểu bang ở vùng Trung Tây và miền Nam nước này cho phép nhà trường dùng hình phạt đánh học sinh bằng các loại roi dẹt to bản gọi là “paddle”. Điều này căn cứ theo một phán quyết vào năm 1977 của Toà án Tối cao Liên bang Mỹ kết luận rằng, việc đánh đòn là không vi phạm đến quyền lợi học sinh.
Ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Philippines… các hình phạt thường được áp dụng là bắt học sinh quỳ trên các hạt đậu đông lạnh, hạt bắp và gạo sống. Malaysia là còn cho phép dùng đòn roi với học sinh.
Là phụ huynh có con đang học cấp 2, chị Hoàng Minh Ngọc (Tây Hồ, Hà Nội) cũng cho rằng, nên cảm thông với cô giáo, bởi những áp lực của giáo viên không hề nhẹ, nếu phụ huynh bênh vực còn thì nhất định chúng sẽ ỷ lại và hư hỏng.
“Đôi lúc bản thân tôi đặt câu hỏi, tại sao học sinh khác không bị phạt, mà con mình bị? Phải chăng mình đã chưa dạy dỗ con cái tốt. Trước đây lứa tuổi chúng tôi, việc bị đánh mắng là sức hết bình thường, và chúng tôi ai cũng nên người”, chị nói.
Khẳng định là cha mẹ ai cũng xót con khi thấy bị cô giáo phạt, nhưng theo chị Nguyễn Thị Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) việc phụ huynh có đơn kiện không khác việc đang hại con. Chính điều này khiến bọn trẻ nghĩ rằng chúng làm gì cũng đúng và lúc nào cũng có “thần hộ mệnh” bên cạnh chúng. Chúng sẽ chẳng sợ ai, cứ làm gì thì làm. “Lứa tuổi chúng tôi ngày xưa đi học thầy cô dùng thước đánh nát tay mà vẫn nên người hết”, chị Trang nói.
Theo phụ huynh này, việc đình chỉ với cô giáo này cũng là quá khắt khe. Việc này càng khiến con trẻ nghĩ chúng “quyền lực” hơn, không sợ ai. “Tôi nghĩ những cô giáo có tâm muốn học trò tốt thì phạt quỳ gối cũng không ảnh hưởng gì, biết đâu lại tốt hơn cho trẻ”.
Cần phải có hình thức phạt học trò hợp lý
Trong khi đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hành vi của cô giáo là phản giáo dục, không thể chấp nhận được. Cô giáo Nguyễn Trang Nhung (Hà Nội) bày tỏ thẳng thắn quan điểm không đồng tình với biện pháp bắt học sinh quỳ gối của nữ giáo viên trường THCS Tô Hiệu. Theo cô, phương pháp này thậm chí còn khiến những học trò cá biệt trở nên lì lợm hơn.
“Với những học sinh có tính cách muốn thể hiện bản thân, giáo viên không nên phê bình hay xử lý trước lớp. Thay vào đó, họ cần gặp riêng, trao đổi thân thiện để bạn đó bộc lộ suy nghĩ, từ đó tác động vào tâm lý của học sinh. Giáo viên cần gần gũi và động viên học sinh khi có biểu hiện tích cực dù là nhỏ nhất. Cần hỗ trợ phương pháp giáo dục cho phụ huynh vì không phải ai cũng hiểu hết con em mình”, cô Nhung cho biết.
Một phụ huynh khác tỏ ra bức xúc với hành vi của cô giáo phạt học sinh quỳ, bởi còn rất nhiều hình thức phạt khác như trực nhật, dọn vệ sinh… chứ không cần thiết phải làm vậy. “Thử tưởng tượng con bạn bị phạt trước nhiều bạn khác như thế, có khác gì bị làm nhục không? Trong quy định của ngành giáo dục cũng đâu có kiểu phạt này”, phụ huynh nói.
Trước đó, mạng xã hội xuất hiện hình nam sinh bị cô giáo phạt quỳ ngay trước bục giảng, kèm theo đó là đơn kiến nghị của phụ huynh một nam sinh về vấn đề này. Theo nội dung đăng tải, những hình ảnh trên được ghi lại tại lớp 9B trường THCS Tô Hiệu, khi cô giáo chủ nhiệm phạt học sinh này quỳ trước bục giảng.
Người đăng tải thông tin cho biết, do nam sinh vi phạm quy định của lớp nên giáo viên chủ nhiệm lớp 9B đã yêu cầu 3 học sinh phải quỳ ngay trước bục giảng. Trong đó có một học sinh không chấp nhận quỳ vì cho rằng đó là hình phạt mang tính chất lăng nhục nên đã bị giáo viên này đuổi ra khỏi lớp học.
Cô giáo hiện đang bị đình chỉ một tuần do có hành vi trên.
- 99% phụ nữ vướng bẫy ngoại tình và “lên giường” với người đàn ông khác đều có đặc điểm này
- Bỏ phố về rừng: Cuộc chơi chỉ dành cho các “đại gia” tiền tỷ
- Hối hận khi xây nhà to ở ngoại thành: 2 tầng lầu bỏ trống, con nhút nhát vì tiếp xúc ít người
- 3 đặc điểm cho thấy trẻ ăn bám, ỷ lại vào cha mẹ, cần phải chấn chỉnh ngay
- TT-Huế: Nuôi loài cá trông như tàu ngầm xuất xứ từ Siberi ở A Lưới, mức giá xấp xỉ 400 ngàn đồng/kg, nhiều người đến xem