Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
119 lượt xem

Tài xế từ chối kiểm tra nồng độ cồn có thể bị xử phạt đến 40 triệu đồng

Hiện nay, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tại các địa phương trên toàn quốc đang tăng cường các chốt kiểm tra các vi phạm về giao thông, trong đó có xử lý vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, đã có không ít tài xế cố tình không thổi vào thiết bị đo nồng độ cồn khi CSGT yêu cầu. Vậy trong trường hợp từ chối kiểm tra nồng độ cồn từ CSGT sẽ xử lý thế nào?

Trên thực tế, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định rõ về chế tài xử phạt đối với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Theo đó, hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ là trái quy định của pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 5, Điều 6, Điều 7, và Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Đây cũng là khung hình phạt cao nhất đối với vi phạm về nồng độ cồn.

Cụ thể, việc từ chối thổi vào máy đo nồng độ cồn của tài xế sử dụng các phương tiện đi lại hoặc làm việc sẽ bị xử phạt hành chính tùy theo loại phương tiện sử dụng.

Cụ thể, tại khoản 10, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, người điều khiển phương tiện là xe ôtô và các loại xe tương tự nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì mức phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Đồng thời có thể bị tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 22-24 tháng và bị tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày.

Đồng thời, Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng quy định rõ, người điều khiển phương tiện là xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng. Bên cạnh đó còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 22-24 tháng và bị tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày.

Người điều khiển máy kéo, xe chuyên dùng sẽ bị phạt từ 16-18 triệu đồng, theo điểm b, khoản 9, Điều 7. Đồng thời cũng bị tước quyền sử dụng GPLX; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nếu điều khiển xe máy chuyên dùng từ 22-24 tháng.

Ngoài ra, đối với người đi xe đạp, xe đạp điện nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của CSGT cũng bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng, theo điểm d, khoản 4, Điều 8 trong Nghị định.

Theo đó, người tham gia giao thông nên chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng bởi việc từ chối kiểm tra nồng độ cồn sẽ khiến người điều khiển xe sẽ bị xử phạt theo mức cao nhất đối với vi phạm nồng độ cồn theo khung hình phạt hiện hành.