Câu chuyện dùng quỹ lớp để tặng quà 8/3 cho thầy giáo nhờ tri ân mẹ, vợ, con gái của thầy đang gây chú ý trên mạng xã hội.
Mới đây, một phụ huynh bức xúc chia sẻ trong diễn đàn giáo dục về việc tặng quà ngày 8/3. Theo lời kể, đầu năm học, nhà trường đề nghị ký cam kết thu quỹ lớp cao nhất 500.000 đồng/năm/học sinh. Tuy nhiên, các ngày lễ tết, giáo viên chủ nhiệm lên danh sách “không thiếu một ai để tặng quà và không đi thì cô dỗi”.
Bức xúc nhất vào dịp 8/3 này, mặc dù là Ngày Quốc tế phụ nữ nhưng cô giáo gợi ý dùng quỹ tặng quà cho cả… thầy dạy thể dục để thầy về tặng cho mẹ, vợ và con gái. Phụ huynh này cho rằng không hợp lý vì quỹ lớp thu để chăm lo cho học sinh.
Đi kèm với những chia sẻ trên, phụ huynh gửi thêm hình ảnh chụp lại trao đổi của nhóm zalo lớp. Theo nội dung tin nhắn, cô giáo chủ nhiệm chia sẻ rằng: “Hôm nay cô đã đại diện thay mặt tập thể lớp (2 phụ huynh lớp mình xin được giấu tên) có chút quà gửi tới thầy như một lời tri ân nhờ thầy gửi lời chúc tới mẹ, cô và con gái của thầy!”.
Hình ảnh được phụ huynh chia sẻ cùng câu chuyện tặng quà 8/3 cho thầy giáo (Ảnh: Mạng xã hội).
Bức ảnh trong đoạn tin nhắn cũng thể hiện hình ảnh tặng quà trước sự chứng kiến của học sinh trong không gian lớp học.
Dù chưa xác thực được tính chính xác của câu chuyện nhưng không ít ý kiến bày tỏ bất bình và cho rằng tặng quà không đúng người và đúng dịp.
Mùng 8/3 hay các ngày lễ quan trọng là dịp để nhiều người thể hiện sự quý trọng, tấm lòng biết ơn sâu sắc đến công sức dạy dỗ của thầy cô giáo. Tuy nhiên, câu chuyện sử dụng danh nghĩa quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh, tập thể lớp để tặng quà cho giáo viên cũng là chủ đề khá gây tranh cãi gay gắt trong thời gian qua.
Anh Nguyễn Tự – trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp của một trường tiểu học ở TP Thủ Đức, TPHCM – chia sẻ nhân dịp đặc biệt, anh thường nhờ giáo viên chủ nhiệm tư vấn giúp danh sách tặng quà, sau đó đưa ra cho phụ huynh cùng bàn bạc, thống nhất.
“Cũng có phụ huynh kể rằng thấy lớp của bạn bè, họ hàng tặng quà 8/3 hay 20/10 cho thầy giáo cho đủ dịp vì không có dịp nào dành riêng cho đàn ông, sợ thầy thiệt thòi. Nhưng quan điểm của tôi và đa số cha mẹ trong lớp là tặng quà phải đúng dịp, đúng người”, anh Tự nói.
Chia sẻ về câu chuyện trên, ThS Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) – cho hay trên thực tế vẫn có những tình huống lãng nhách như vậy.
Ông Phú khẳng định trong những dịp như lễ tết, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3,… việc quan tâm, chăm sóc đến các cô là rất tốt, nhưng chỉ nên gói ghém trong phạm vi đơn vị, tập thể.
“Dành tặng lời chúc, những món quà, bông hoa nho nhỏ thể hiện một sự trân quý, tình cảm chia sẻ với các cô trong ngày này. Ở quy mô tập thể lớn mạnh hơn, công đoàn của cơ sở tặng một kệ hoa chúc mừng hay bánh kem.
Tùy theo đơn vị, thậm chí có thể tổ chức bữa cơm thân mật. Nhưng chúng ta phải biết cái gì làm cũng chỉ gói ghém trong phạm vi đơn vị, tập thể đó thôi, không mở rộng ra bên ngoài. Đối xử với nhau bằng tình cảm mới là thứ đẹp nhất trong cuộc đời chứ không phải là món quà”, ông Phú chia sẻ.
Ông Phú kể, thậm chí có những người lấy danh nghĩa của tổ chức để dùng quỹ chung tặng quà cho vợ của sếp để nịnh lãnh đạo. Thầy giáo cho rằng đây là hành động thái quá.
Vị hiệu trưởng cũng nhấn mạnh mọi sự tri ân từ phụ huynh, học sinh nên dựa trên tình cảm xuất phát từ bản thân và không nên có sự gợi ý từ giáo viên, nhà trường. Đặc biệt, không nên sử dụng quỹ lớp để chăm lo cho thầy cô như vậy.
- Sự khác biệt giữa ‘vợ thứ hai’ và ‘vợ thứ nhất’ là gì? Chỉ những người đàn ông đã ly hôn thật sự mới hiểu
- 3 bí kíp giúp chị em ‘nâng cấp’ vẻ ngoài trong 3 giây: thanh lịch 8 phần, tao nhã 10 phần
- “Lật mặt 7” của Lý Hải lập kỷ lục đặt vé, thu 11 tỉ đồng dù chưa chiếu chính thức
- Bỏ hàng tỷ làm từ thiện, ông nông dân miền Tây thích ngủ ở chòi lá xơ xác, trồng thứ cây như hành
- 40 tuổi chưa làm được gì, mới mua nhà 5 tỷ cho mẹ đẻ, đang phấn đấu tặng mẹ chồng 1 căn