Khẳng định con trai cũng phải chịu nhiều áp lực chẳng kém gì con gái, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng các bậc phụ huynh hãy chủ động chia sẻ, gần gũi với con cái mình nhiều hơn.
Giáo dục một bé trai có khác gì với giáo dục một bé gái? Khác nhiều lắm! Mọi người vẫn nghĩ con trai phải giáo dục sự mạnh mẽ và con gái cần phải lắng nghe, vỗ về. Nhưng sự thực thì con gái cũng cần dạy về sự mạnh mẽ và con trai cũng cần sự lắng nghe và vỗ về. Hay như nhiều mẹ tôi biết đều cho rằng con trai cần bố dạy, con gái cần mẹ dạy. Thực ra con trai học từ mẹ rất nhiều và con gái học từ bố cũng không ít. Rồi còn cả quan điểm dạy con trai không được khóc nữa chứ! Trong 15 năm làm bố một gã đàn ông nhỏ, tôi cũng có một mớ kha khá kinh nghiệm nhất định.
Về tự lập và trách nhiệm: Dù con gái cũng cần phải được dạy về tự lập và trách nhiệm nhưng theo quan điểm Á Đông, đàn ông cần học về tự lập và trách nhiệm hơn nhiều so với phụ nữ. Tôi luôn nói điều đó với cậu cả nhà mình. Rằng đàn ông mà không tự lập thì sẽ là đàn ông vô dụng. Tự lập mà không có trách nhiệm sẽ càng trở nên vô dụng hơn và là thứ đàn ông ích kỷ, xấu tính.
Việc dạy con tự lập không phải là phó mặc tất cả để con tự làm mới gọi là tự lập. Mà rất cần sự hướng dẫn. Tôi nhấn mạnh sự hướng dẫn ở đây vì đó chính là cốt lõi của tự lập. Là hướng dẫn con làm và làm cùng con những điều khó. Hướng dẫn không phải cầm tay chỉ việc mà là vẽ một lộ trình cho con, khơi gợi trẻ cách thức làm. Để trẻ có thể tự làm sau khi được hướng dẫn. Với những việc khó cần làm cùng nhau chứ không phải làm hộ con. Làm cùng nhau có nghĩa là mỗi người một việc và cha mẹ vẫn là những người hướng dẫn nhiều hơn là một đồng sự.
Việc rèn trách nhiệm cũng vậy, hãy dạy trẻ chịu trách nhiệm không chỉ với những điều trẻ làm sai hay phạm lỗi mà là trách nhiệm với bản thân, với công việc được cha mẹ giao. Tinh thần trách nhiệm của trẻ là thứ rất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tôi vẫn khuyến khích con mình xung phong nhận trách nhiệm và cùng đánh giá trách nhiệm sau mỗi lần con hoàn thành nhiệm vụ.
Việc con trai có được quyền khóc hay không cũng vậy! Bản thân tôi hồi bé cũng bị giáo dục rằng đàn ông rơi máu chứ không được rơi lệ. Điều đó khiến cho những đứa trẻ bị ức chế cảm xúc ghê gớm. Xem một bộ phim cảm động mà khóc là bị lêu lêu. Thương cảm với những điều nhìn thấy trong cuộc sống mà rơi lệ cũng bị chế giễu là sến, là yếu mềm. Tôi là người ủng hộ con được khóc. Đau quá cứ khóc đi vì người ta chả nói đau đến chảy nước mắt đó sao? Xem phim cảm động cứ khóc đi vì nó là cảm xúc thực sự mà. Uất ức cứ khóc đi, à mà không, uất ức thì không được khóc mà phải hành động, phải lên tiếng, phải chiến đấu. Nước mắt không khiến ta mất đi giới tính đâu. Có lần, cả nhà tôi xem phim, đến đoạn cha mẹ của nhân vật chính chết, cậu cả nhà tôi rơm rớm nước mắt. Tôi chọn cách ôm cậu vào lòng chia sẻ cảm xúc đó. Tôi vẫn nói với nhiều bà mẹ có con bị coi là yếu đuối rằng: Hãy phải biết tự hào và hãnh diện vì các mẹ có một cậu con trai tình cảm như thế! Nhưng dường như nhiều mẹ thích con trai phải thô lỗ cộc cằn mới đúng là con trai vậy.
Nhân nói đến chuyện này, nhiều cha mẹ cũng hay khắt khe thái quá với con trai. Vì lũ chúng nó hiếu động và hay nghịch ngợm nên luôn trở thành thủ phạm cho những đổ vỡ hay rắc rối cho cha mẹ. Nếu cùng một lỗi lầm, con gái thì luôn được nương nhẹ nhưng con trai hay bị la mắng. Tôi nghĩ điều đó cũng là sai. Thậm chí nhiều cha mẹ có con trai, la mắng con ngay cả trước khi chúng làm điều gì đó vì luôn bị áp đặt tư tưởng lũ con trai nghịch ngợm. Tại sao không nhẹ nhàng với con trai mà cứ nghĩ “ôi giời, con trai mà! Chúng nó phải chịu đựng được chứ đàn ông đàn ang bị mắng thế đã tổn thương này nọ thì yếu đuối quá”. Sai! Sai rồi! Đừng bắt con trai mình mang vác vai trò đàn ông nữa! Nó cũng là con mình mà! Hãy chia sẻ với chúng nhiều hơn, hãy phân tích đúng sai, hãy cho con thấy hậu quả nếu con làm điều này, hãy cho chúng biết nhiều hơn chứ không phải nghe quát mắng cả.
Vậy còn những trò nghịch mạo hiểm, liều lĩnh của tụi con trai? Có vẻ như lũ con trai luôn bị gán cho việc “như con gái” nếu như không thử những trò mạo hiểm? Làm sao để con an toàn, thưa anh?
Quả thực, lũ con trai luôn bị áp lực phải khác con gái, phải hơn con gái vì chúng là phái mạnh khiến chúng dễ bị đẩy tham gia những trò mạo hiểm, liều lĩnh mà cái giá phải trả có khi là mất đi vài bộ phận hoặc cả mạng sống. Tôi vốn cũng không phải là người mê những trò mạo hiểm nên tôi không khuyến khích con tôi tham gia. Nhưng ở lớp, ở trường, trước lời khích bác của bạn bè, con tôi thật khó để từ chối được. Vậy ở trách nhiệm người làm cha, làm mẹ tôi cần dạy con điều gì? Tôi cho rằng ngoài việc dạy trẻ kỹ năng chúng ta cần dạy trẻ cả những hậu quả. Như đua xe hậu quả sẽ thế nào? Như dùng ma tuý đá hậu quả sẽ ra sao? Chứ không phải là cấm-cấm và cấm. Câu doạ của cha mẹ: Con mà đua xe, hút thuốc bố mẹ sẽ giết chết con, không thể ngăn được lũ trẻ, không thể khiến gã con trai mới lớn của quý vị chiến thắng được những lời khích bác của bạn bè chúng. Chỉ có kiến thức trực quan mới khiến chúng dừng lại. Tôi vẫn tin rằng kiến thức là thứ bảo vệ chúng ta. Khi con bạn đầy đủ kiến thức rồi chúng sẽ biết chúng phải làm gì.
- 5 sai lầm trong việc dạy dỗ con trai rất nhiều phụ huynh mắc phải!
- 3 câu cô giáo mầm non thích nghe nhất từ phụ huynh: "Mẹ khéo léo con sẽ được nhờ"
- Tuyên Quang: Nuôi giống lợn đen trũi, lão nông miền núi bỏ túi 1 triệu đồng mỗi con
- Nữ sinh lớp 11 bị nữ sinh lớp 12 đâm chết sau mâu thuẫn trên mạng
- Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng: "Nhà có 2 cô con gái gia đình dễ thành công hơn"