Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
118 lượt xem

Mẹ trẻ 9X chia sẻ kinh nghiệm luyện con sinh hoạt theo nếp EASY từ lúc mới lọt lòng

Trẻ sơ sinh giống như một tờ giấy trắng, do đó cần cha mẹ định hướng một thói quen sinh hoạt ổn định, khoa học. Và EASY chính là một phương pháp phù hợp để tạo nếp sinh hoạt tốt đó cho bé.

Chị Nguyễn Nhật Ánh (SN 1990) từ lâu đã rất thích tìm hiểu về EASY. Lần đầu chị biết đến phương pháp rèn luyện thói quen sinh hoạt cho bé này ở trên mạng xã hội. Lúc đó, có nhiều ý kiến trái chiều về EASY. Không ít bình luận cho rằng, đây là 1 phương pháp đầy kỷ luật. Con sẽ tự đi ngủ đúng giờ, rồi thì bé khóc mẹ cũng mặc kệ, để con khóc chán thì thôi, không bế bồng hay dỗ dành. Nghe có vẻ tiêu cực nhưng chị Ánh vẫn rất hứng thú với phương pháp rèn nếp sinh hoạt EASY.

Chị cho biết: “Lần thứ 2 mình biết đến EASY rõ ràng, cụ thể hơn là nhờ em họ của mình. Bạn ấy luyện cho con nếp sinh hoạt này. Trộm vía em bé ngoan, ăn ngủ sinh hoạt đúng giờ và khoa học. Từ đó mình “hâm mộ”, càng thích EASY hơn.

Rồi đến khi mình mang bầu, được tặng bộ 3 cuốn sách “Nuôi con không phải là cuộc chiến”… Khi con vừa lọt lòng là mình áp dụng EASY luôn. Trộm vía bé rất hợp tác. Chỉ cần 3 ngày là con có nề nếp sinh hoạt rồi”.

Bí quyết con theo phương pháp Easy của mẹ 9X

1. Cần chuẩn bị những gì khi luyện EASY cho bé

– Chuẩn bị kiến thức: Đầu tiên các mẹ cần phải trang bị những kiến thức cơ bản về nuôi con theo EASY bằng bộ sách: Nuôi con không phải là cuộc chiến. Theo chị Ánh, khi có bộ 3 cuốn sách này trong tay, không chỉ có chị đọc mà chồng chị cũng tham khảo.

“Rồi thời gian đầu mình chưa luyện EASY cho con hẳn hoi, chồng mình còn nhắc: ‘Vợ không luyện EASY cho con à, vợ đọc sách đi’… thỉnh thoảng lại lôi mấy cái trong sách ra nhắc mình nữa. Trong 3 cuốn sách này sẽ hướng dẫn mẹ tỉ mỉ về phương pháp rèn con sinh hoạt theo nếp EASY. Ngoài ra mình cũng lên mạng xã hội tìm hiểu bí quyết của các mẹ đi trước…

Tuy nhiên, đọc xong bộ sách, mẹ mới chỉ nắm được sơ bộ về phương pháp và cách thức khoảng 50% thôi. Và khi bắt tay vào công cuộc luyện tập thì mới có thể hiểu rõ hơn được vấn đề” – chị Ánh cho hay.

– Chuẩn bị công tác tư tưởng với các thành viên trong gia đình: Đây cũng là 1 việc làm quan trọng. Mỗi thế hệ lại có môi trường sống, phương thức sống khác nhau. Khi nuôi con theo EASY các mẹ phần nhiều sẽ nhận ý kiến trái chiều từ các thành viên trong gia đình vì nuôi con truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người Việt Nam chúng ta.

Chị Ánh cho rằng bản thân may mắn khi có chồng ủng hộ 100%. Khi bố mẹ 2 bên có ý kiến thì anh lại lôi sách ra cho mọi người đọc. Phần nào cần nhấn mạnh thì “bôi xanh, bôi đỏ” vào. Sau này khi thấy cháu ngoan, ăn ngủ theo giờ… thì bố mẹ chồng chị Ánh rất vui, tự hào về con dâu, đi khắp nơi khoe: “Con tôi/con dâu nó nuôi cháu khoa học hay lắm”.

– Chuẩn bị dụng cụ hỗ trợ: Nôi, cũi riêng cho bé, quấn chũn khi ngủ cho bé cảm giác giống ở trong bụng mẹ, dụng cụ phát tiếng ồn trắng, núm ti giả, nhiệt kế phòng,… Ngoài ra còn có camera, máy vắt sữa, bình sữa… Bé có thể không hợp tác với núm ti ngay. Mẹ nên mua nhiều loại với thiết kế khác nhau để con tìm được chiếc núm ti mình yêu thích nhất.

2. Cách luyện EASY cho bé từ khi lọt lòng

Theo chị Ánh, phương pháp EASY được ghép các chữ cái đầu của EAT (ăn), ACTIVITY (chơi), SLEEP (ngủ), YOUR TIME (thư giãn). Giờ ngủ của con chính là giờ thư giãn nghỉ ngơi của mẹ. Mỗi chuỗi hoạt động áp dụng theo phương pháp nuôi con EASY sẽ gọi là một chu kì. Và trong một ngày, mẹ sẽ cho bé sinh hoạt theo nhiều chu kỳ lặp đi lặp lại. Ví dụ như mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy, mẹ cho bé ăn (eat), tiếp đến là vận động (activity) rồi đi ngủ (sleep), và bước cuối cùng trong chu kì thời gian rảnh rỗi dành cho mẹ (your time). Chu trình này sẽ diễn ra cho tới lúc giấc ngủ ban đêm của bé diễn ra.

“Khi bé có cân nặng từ 2,7kg trở lên là mẹ có thể áp dụng nếp sinh hoạt EASY cho con. Theo cân nặng và tháng tuổi của bé, mẹ có thể áp dụng những chu kỳ EASY khác nhau. Bé nhà mình bế từ viện về là mình đã cho con nằm nôi cũi riêng, quấn chũn khi ngủ cho bé cảm giác giống ở trong bụng mẹ, rồi bật tiếng ồn trắng. Ngay từ đầu cái nếp ăn – ngủ – chơi của bé đã tách biệt rồi, có điều vẫn chưa chuẩn lịch EASY mà mình vẫn nương theo bé là chính. Tuy nhiên mình vẫn dạy cho bé phân biệt ngày đêm rõ ràng để con không có tình trạng “ngủ ngày cày đêm”.

Con mình khá hợp tác, cho đến khi 3 tháng, mình thấy bé bắt đầu ngủ không ngon giấc, hay bị tỉnh dậy, cả ngày lẫn đêm… Lúc này mình mới tìm hiểu EASY một cách hẳn hoi và vỡ lẽ, luyện ngủ chỉ là 1 phần của nếp sinh hoạt EASY. Có những mẹ cho con theo EASY nhưng không chọn phương pháp tự ngủ. Ngược lại có những bé được rèn tự ngủ nhưng không theo phương pháp EASY. Vậy là mình quyết tâm luyện cả hai cho bé. Con mình không còn khó ngủ nữa.

Đặc biệt giảm khóc lóc, hầu như không khóc luôn. Bé đi ngủ từ 7h tối đến 7h sáng hôm sau. Ngủ rất sâu và ngon giấc nên phát triển chiều cao rồi cân nặng rất tốt. Những lúc thức cũng vô cùng vui vẻ hoạt bát chứ không kiểu bị cáu nhặng xị. Con đã có thể ngủ xuyên đêm từ 4-5 tháng tuổi. Ba mẹ cũng có nhiều thời gian dành cho nhau hơn” – chị Ánh cho biết.

3. Cách luyện ngủ cho bé theo nếp sinh hoạt EASY

Chị Nhật Ánh tiết lộ phương pháp: “Đến giờ con ngủ, mình cho bé vào môi trường ngủ. Thường là căn khoảng 2-3 tiếng sau khi bé thức dậy. Trước khi đi ngủ tầm 20-30 phút là cả nhà phải giảm cường độ âm thanh, nói chuyện nhỏ nhẹ, bật nhạc nhỏ đi…, giảm vận động… chứ không được đang chơi đùa ầm ĩ bế phốc lên bắt đi ngủ.

Sau khi kiểm tra nhiệt độ phòng thì mình bật thêm điều hòa hoặc bật sưởi cho bé. Tiếp đến quấn nhộng/chũn hoặc mặc túi ngủ với các bé trên 9 tháng. Việc tiếp theo là làm cho không gian ngủ trở nên tối. Khi bế con vào phòng thì mình thủ thỉ: Bây giờ đến giờ con ngủ rồi, ngủ đi nhé. Sau đó mình cho bé xuống nôi cũi (khi bé vẫn còn thức), cho con ngậm ti giả, bật tiếng ồn trắng và chào tạm biệt bé rồi ra khỏi phòng. Tuy nhiên mình vẫn theo dõi con từ xa. Bé nhà mình chỉ mất một lúc là có thể tự ngủ”.

Theo tiết lộ của chị, có thể là do ăn ngủ điều độ, khoa học nên bé nhà chị chưa từng ốm. Còn vào những tuần khủng hoảng của con, chị thường nắm trước lịch và hỗ trợ bé các kỹ năng con cần học vào tuần đó.

“Tuần khủng hoảng thì có quấy khóc, mình chịu khó ôm con nhiều hơn, vỗ về bé. Cái này cũng chỉ trong vài ba ngày, không kéo dài lâu bao giờ. Vào những tuần đó mình tìm hiểu trước con nên được học những kỹ năng gì, sau đó giúp bé học sớm để con nhanh qua khủng hoảng. Như thế bé sẽ lại ngoan ngay” – mẹ trẻ kể.

Hiện tại con của chị Ánh đã hơn 1 tuổi, bé vẫn sinh hoạt đều đặn theo nếp EASY. Mẹ trẻ cảm thấy vui, hạnh phúc và rất nhàn nhã khi con chịu hợp tác.

Bài viết cùng chủ đề: